Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

SỰ THẬT - MUA MỘT TẶNG HAI

http://www.buudoan.com/2012/06/su-that-mua-mot-tang-hai.html#more


Chuyện kể rằng, chứng kiến trước cảnh đau thương vì sự gian trá, lường gạt giữa con người với nhau, một thiên thần ẩn dạng dưới một nhà hiền triết rao bán “sự thật”. “Mời mua sự thật, mời mua sự thật, mua một tặng hai. Mua sự thật sẽ được tặng tự do và hạnh phúc”. Nhà hiền triết rao to tiếng giữa phố phường, chợ búa.
 
Một chính trị gia dừng lại và hỏi: “Làm thế nào để mua sự thật? Giá bao nhiêu?”. Nhà hiền triết đáp: “Giá của sự thật là sự thật. Và ông sẽ được tặng thêm tự do và hạnh phúc”. “Xin ngài cho biết cụ thể hơn?”. Chính trị gia hỏi tiếp: “Xin thưa - nhà hiền triết trả lời - Cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, ông trung thực trả lời ba câu hỏi sau: 1-Tôi đã sống đúng với sự thật? 2-Tôi đã dám sống cho sự thật? Và 3-Tôi đã sống vì sự thật không? Giá để trả cho món hàng sự thật là ông sống với (cảm nghiệm), sống cho (phục vụ), và sống vì (bảo vệ) sự thật. Khi ông sống như thế, ông sẽ được sự thật, và còn được tặng thêm tư do và hạnh phúc nữa”. Chính trị gia cầm món “sự thật” về nhà bắt đầu thực hành với ba câu hỏi trên. Nhưng chỉ vài hôm sau, ông đã trả lại món hàng ấy vì hằng ngày ông thường bàn đến chiến tranh, thế lực, phe nhóm, hơn thua. Ông thừa nhận rằng, ông chưa đủ can đảm lên tiếng bênh vực cho nạn nhân vô tội. Ông chưa can đảm bảo vệ sự thật cho các nước nghèo và dân tộc xấu số. Tiền bạc và quyền lực xem chừng mạnh hơn sự thật.

Một nhà tu đi ngang qua nghe ông cụ rao: “Mời mua sự thật, mời mua sự thật. Mua một tặng hai”. Tò mò, tu sĩ dừng lại và nói: “Tôi là người rao giảng sự thật, ông biết gì về sự thật mà bán?”. Nhà hiền triết tươi cười đáp: “Con rất mừng và cám ơn ngài là người rao giảng sự thật. Chỉ có điều là nếu ngài muốn có tự do và hạnh phúc thật sự thì xin ngài cầm lấy món hàng “sự thật” và thử dùng xem sao?”. Sau khi được giải thích về giá cả, nhà tu đưa “sự thật” về nhà và bắt đầu thực hành. Nhưng cũng chỉ vài hôm sau, vị tu sĩ cũng trả nó lại, vì mỗi lần đọc kinh nguyện, tiếng kêu khóc của người nghèo, của những quả phụ, của các em nhỏ, của nạn nhân bị áp bức bất công như nhảy múa trên từng trang kinh. Người tu sĩ thấy rằng, mình có sống với sự thật, nhưng mình chưa can đảm sống cho và vì sự thật. Sự thật mời gọi mình đi ra khỏi cảnh yên hàn cửa nhà tu để đến với những con người đang bị chà đạp phẩm giá. Ông thấy rằng, sự yên ổn ngại dấn thân dường như mạnh hơn sự thật mà ông đang rao giảng, điều này làm ông trả lại “món hàng”.
 
Tiếng rao: “Mời mua sự thật, mời mua sự thật, mua một tặng hai” vẫn được vang lên. Một cụ già nông dân dừng lại và nói to: “Sự thật có cóc gì mà phải mua. Sự thật là quà tặng. Tôi được tặng nó từ lâu rồi”. Nhà hiền triết tỏ vẻ vui mừng, nói: “Chúc mừng bác. Thế ai tặng cho bác?”. Ông nông dân đáp: “Tôi không biết ai đã tặng tôi, nhưng từ nhỏ ba tôi đã dạy tôi chỉ sống từng ngày. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, ba giúp tôi nhìn thẳng vào lòng mình và trả lời ba câu hỏi thật nghiêm túc: 1- Tôi có sống thật với nhân phẩm cao quí của tôi không? 2- Tôi có sống cho những gì mà tôi yêu, tôi tin không? Và 3- Tôi có can đảm làm chứng cho sự thật không? Nhà hiền triết mỉm cười mãn nguyện và thưa: “Bác đã có tất cả rồi. Chúc mừng bác”.
* * *
Bạn thân mến, câu chuyện tưởng tượng trên một lần nữa đề cao giá trị của sự thật. Nói đến sự thật ai ai cũng mong mỏi và khao khát để chiếm lấy, vì nó rất trong sáng, rất tinh tuyền và rất mạnh mẽ. Ai dám sống với, cho và vì sự thật thì sẽ cảm nghiệm thế nào là tự do và hạnh phúc đích thực.
 
Sự thật là điểm chuẩn trong gia đình, trong đoàn thể, và trong xã hội. Quan tòa tìm sự thật để kết tội hay tha bỗng cho bị cáo. Sự thật có thể dẫn người ta đến hòa khí, tha thứ nhưng khi không chấp nhận sự thật người ta có thể chia tay. Sự thật có thể giúp người ta tìm ra ánh sáng, hạnh phúc, nhưng khi không chấp nhận sự thật, người ta có thể vì xấu hổ, rút lui vào bóng tối của ẩn ức, hận thù.
 
Giá của sự thật phải được “mua” bằng sự thật! Nếu không phải mua bằng sự thật thì điều gì có giá trị hơn sự thật để mà đổi chác? Một tội nhận được ơn thứ tha chỉ khi anh ta thật lòng nhìn thấy sự thật là mình đã lầm lỗi. Mối quan hệ rạn nứt chỉ có thể hàn gắn khi nhận ra sự thật rằng mình cũng có phần trách nhiệm trong sự việc này. Lòng mình không bình an thì cần phải nhìn sự thật là có khi mình còn kiếm tìm và lo xây thành đắp lũy cho cái tôi của mình.
 
Thưa bạn, mục Sống Sao Cho Đẹp mời bạn trở lại thật với lòng mình, với thân phận mình để từng ngày tìm câu trả lời cho ba câu hỏi mà vị hiền triết nêu trong câu chuyện. 1- Bạn có sự thật trong người chưa? 2- Bạn đã sống cho sự thật chưa? 3- Bạn đã can đảm để bảo vệ sự thật chưa?



LỜI BÌNH :
 Bàn về sự thật, Thảo Lư xin chuyển hầu câu chuyện Thôi Trữ giết vua:

TT làm đại phu từ thời Tề Huệ công và được lòng vua Tề. Đến thời Tề Linh công, nước Tề xảy ra việc tranh chấp thừa kế ngôi vua giữa công tử lớn Khương Quang và công tử nhỏ Khương Nha. Thôi Trữ ủng hộ Khương Quang, đưa Khương Quang lên ngôi là Tề Trang công

Thôi Trữ có người vợ lẽ tên Đường Cơ rất xinh đẹp. Tề Trang công mê mẩn nên thường lén lút đến tư thông. Thôi Trữ biết chuyện nên rất tức giận, nhưng bàn cùng Khánh Phong chờ thời cơ’’giết kẻ tình địch’’ – thực chất là làm phản….

Nhân dịp Tề Trang Công mở tiệc đãi vua nước Cử, Thôi Trữ – Khánh Phong thấy thời cơ đã đến bàn nhau thực hiện ý đồ. Khánh Phong’’xui’’ Thôi Trữ ra tay tại phủ của mình rồi vu cho là giết kẻ dâm đạo… TT nghe theo, tiến hành - Doạ Đường Cơ nghe lời mình. Đường Cơ sợ, nghe theo, phao tin TT ốm không dự tiệc chiêu đãi. Trang công nghe tin, nhân danh đến thăm Thôi Trữ, nhằm để gặp Đường Cơ. TT bố trí sẵn, sai thủ hạ vây bắt, giết Tề Trang Công.

Theo quy định của các triều đại phong kiến xa xưa: Mỗi triều có một’’Viện sử’’ do quan Thái sử chuyên việc ghi chép mọi hành vi của vua, mọi diễn tiến của triều đình để đời sau biết. Việc TT giết TLC khiến những người viết sử bất bình, toàn dân căm ghét. Thôi Trữ biết vậy, vội đến gặp quan Thái sử , yêu cầu cho xem việc ghi chép sự kiện này ra sao? TT đọc , quan Thái sử viết: “ Tháng 5, mùa hè , Thôi Trữ giết vua” –Thôi Trữ hầm hầm nổi giận, bắt chép khác đi. Thái sử không chịu. Thôi Trữ quát: Phải chép là Vua chết đột tử vì bạo bệnh.

Thái sử im lặng…
TT rút gươm kề cổ người kia, nói: Nếu không sửa, ta sẽ giết ngươi!
Viên quan chép sử lặng lẽ vươn cổ chờ… TT chặt đầu ông ta rồi hầm hầm quay người định đi ra. Cũng đúng lúc có một người cầm bút đi vào. TT ngạc nhiên hỏi: Ngươi là ai? Vào đây làm gì.

Người kia đáp: Tôi là em thứ hai của quan Thái sử. Xin vào chép thay cho anh. TT cầm thanh gươm còn đang rỏ máu chỉ thây người anh, bảo: Ngươi chép đi! Phải chép là Vua bị bạo bệnh chết.

Người em im lặng cầm bút, viết!…
TT giằng cuốn sách…đọc… trợn mắt: Phải sửa. Nếu không sẽ chết như anh mày.
Người em nghểnh cổ, nhắm mắt vẻ chờ đợi. TT lại chém, đầu người rơi xuống.
Chưa kịp quay lại, đã thấy sau lưng có tiếng nói to: Ta là em thứ 3 của quan Thái sử đến chép thay hai anh đây.

TT trừng mắt, gằn giọng, hỏi: Ngươi chép đúng như hai thằng anh hay chép theo ý ta?
Người kia dõng dạc: Người chép sử phải trung thực, dù có chết cũng không được chép sai. Ngài giết vua thì phải chép đúng, một chữ cũng không thể thay đổi.

TT vung gươm chém lia lịa vào người kia, vừa chém vừa gầm gừ: Các ngươi đã điên thì ta cũng điên… TT càng lúc càng hăng – bổ gươm xuống đống thịt bầy nhầy, gào to: Thuận ta thì sống, Nghịch ta thì chết… thuận ta thì…

Cũng đúng lúc đằng sau có tiếng quát vang: Tháng 5, mùa hè Thôi Trữ giết vua! Các anh ơi chờ em với!
Thôi Trữ ngẩng đầu nhìn: Một chàng trai còn rất trẻ, khí phách hiên ngang, trước ngực căng dòng chữ: Tháng 5, mùa hè, TT giết vua!

Thôi Trữ người ướt đẫm mắu tươi của 3 anh em quan Ngự sử, cảm thấy không còn hơi sức, hỏi chàng thanh niên giọng đứt quãng:
- Ngươi… là ai? Không sợ chết… à?
- Ta là em thứ tư của quan Thái sử. Ta đến đây là để thay 3 anh chép tiếp đoạn văn – sử này. Ông có thể giết cả nhà ta, nhưng không thể giết được lịch sử của dân tộc Tề.

Vừa lúc… bên ngoài cửa ồn ào…
TT liếc nhìn ra thấy có đông người đứng nhìn y với vẻ chăm chú… TT buông thanh kiếm, giang hai tay đưa lên đầu, miệng thều thào: Ta chịu thua các ngươi rồi. Nói đoạn thất thểu đi ra.

Người em tiến đến nhặt đầu, xếp thân xác các anh cùng hàng ngay ngắn. Đám người bên ngoài ùa vào.

Người em hỏi: Các vị là ai, sao lại đến đây? Một người lớn tuổi nhất cúi vái lạy anh em nhà quan Thái sử, nói: Chúng tôi nghe tin ngài đến đây, bảo nhau đứng xếp hàng chờ bên ngoài. Nếu TT giết ngài chúng tôi lần lượt vào thay!

Giờ không biết còn có quan Ngự sử giống thời đó nữa hay không?

Cũng xin mượn một tựa bài của TL (có cải biến đôi chút) để nói lên sự thật: Nude tất cả, trừ sự thật!