Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Bài Học Từ Đại Bàng

http://bocau.net/blog/lienhoa/16769-bai-hoc-tu-dai-bang.html


Đại Bàng…


Đó là loài chim có tuổi thọ cao nhất trong chủng loại của mình. Chúng có thể sống tới 70 tuổi.

Nhưng để sống được tới tuổi này, chúng phải trải qua một quyết định khó khăn vào năm 40 tuổi

Khi đó, Những móng vuốt dài và linh hoạt không còn đủ sức tóm giữ con mồi làm thức ăn.

Chiếc mỏ dài và sắc nhọn trở nên cong yếu.

Đôi cánh nặng nề và già cỗi, do bộ lông dày, trở nên dính chặt vào ngực và khiến cho chúng khó bay lượn

Vì thế, đại bàng chỉ còn hai sự lựa chọn: chết hoặc trải qua một quá trình thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày.

Quá trình này đòi hỏi đại bàng bay lên đỉnh núi và ngồi trên tổ của mình

Tại đây đại bàng sẽ đập mỏ vào đá cho đến khi mỏ gãy rời

Sau khi mỏ gãy, đại bàng sẽ đợi cho mỏ mới mọc ra rồi sau đó bẻ gãy hết các móng vuốt của mình

Khi những móng vuốt mới mọc lại, đại bàng bắt đầu nhổ hết những chiếc lông cũ già cỗi

Và sau 5 tháng, đại bàng lại có thể tiếp tục những chuyến bay lượn tuyệt vời của sự hồi sinh và sống thêm 30 năm nữa.

Hãy học từ đại bàng…

Hãy trở nên thật dũng cảm và kiên cường để trải qua một giai đoạn thay đổi đầy khó khăn,

chịu đựng nhiều đau khổ và thử thách để được hồi sinh và tiếp tục bay cao, bay xa hơn nữa…

Chúc bạn thành công!



Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

VN hạnh phúc thứ hai thế giới: Vì sao?

http://www.eva.vn/tin-tuc/vn-hanh-phuc-thu-hai-the-gioi-vi-sao-c73a101710.html


Việt Nam đứng thứ hai thế giới về chỉ số hành tinh hạnh phúc, theo xếp hạng do Quỹ Kinh tế mới (NEF) tại Anh công bố mới đây. Nên hiểu thế nào về chỉ số hạnh phúc này?
Tin tức cập nhật liên tục những tin mới, tin nóng, tin hot, chuyện đó đây được chị em phụ nữ quan tâm.
 
yahoo
NEF đã dựa trên ba tiêu chí để đánh giá chỉ số hạnh phúc (HPI): mức độ hài lòng của con người với cuộc sống; tuổi thọ bình quân; tác động của con người với môi trường. Đánh giá mức độ hài lòng của con người với cuộc sống, NEF sử dụng câu hỏi  gọi là “Thang cuộc sống” từ Tổ chức điều tra thế giới Gallup World Poll.

Câu hỏi như sau: “Hãy tưởng tượng về một cái thang với những nấc được đánh số từ 0 là nấc cuối cùng đến 10 là nấc trên cùng. Giả định rằng nấc trên cùng đại diện cho cuộc sống tốt nhất có thể có của bạn và nấc cuối cùng đại diện cho cuộc sống tồi tệ nhất có thể có đối với bạn. Cá nhân bạn cảm thấy bạn đang đứng ở nấc nào của thang? Giả định là nấc càng cao thì bạn càng cảm thấy cuộc sống tốt hơn. Nấc càng thấp bạn càng cảm thấy cuộc sống tồi tệ hơn. Nấc thang nào sát với cảm giác của bạn nhất?”

VN hạnh phúc thứ hai thế giới: Vì sao? - 1
Việt Nam đứng thứ 2 trên tổng số 151 quốc gia về chỉ số hạnh phúc

Theo công thức tính toán của NEF, Việt Nam đứng thứ 2/151 quốc gia về chỉ số hành tinh hạnh phúc. Còn các chuyên gia Việt Nam đánh giá thế nào về bảng xếp hạng trên?

Quá nhiều câu hỏi xung quanh bảng xếp hạng

Thạc sỹ Đỗ Văn Quân – Viện Xã hội học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh:


Trong các nghiên cứu xã hội học chính xác phải xây dựng được bộ công cụ phù hợp và chọn mẫu phù hợp. Lựa chọn mẫu dựa trên một số lượng lớn và mang tính đại diện cao. Ví dụ để đánh giá được mức độ hài lòng của con người với cuộc sống, phải nghiên cứu trên hàng nghìn người. Họ đại diện cho các vùng miền khác nhau, có giới tính, lứa tuổi, trình độ nhận thức, thu nhập... khác nhau.

Nếu điều tra chỉ rơi vào một nhóm xã hội nào đó kết quả có thể sai lệch. Khi bạn hỏi một người có thu nhập tốt, tính cách lạc quan rất khác với một người đang thất nghiệp, gặp phải những khó khăn trong cuộc sống.

VN hạnh phúc thứ hai thế giới: Vì sao? - 2
Thạc sĩ Đỗ Văn Quân

Người Việt Nam khá lạc quan vì vậy có thể độ hài lòng với cuộc sống cao hơn. Đối với người Việt Nam, có cơm ăn áo mặc có thể đã đủ rồi, trong khi người phương Tây họ lại đòi hỏi nhiều giá trị khác. Nhiều khi chúng ta nghĩ đơn giản, cuộc sống của ta giờ đã hơn 20, 30 năm trước. Năm nay ta phấn đấu có được cái nhà, sang năm phấn đấu mua được cái ô tô. Và thế là đủ. Trong khi còn nhiều vấn đề lo ngại: bệnh dịch, rủi ro khi tham gia giao thông, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường...

3 tiêu chí để đánh giá chỉ số hạnh phúc của con người của NEF là cơ bản nhưng không đầy đủ. Bởi sự hài lòng là vô cùng với con người. Mỗi trình độ, lứa tuổi khác nhau, vùng miền khác nhau, độ hài lòng lại khác nhau. Tuổi thọ là chỉ số quan trọng. Nhưng môi trường ở Việt Nam  bị ô nhiễm lớn, phát triển thiếu bền vững. Còn nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống như giáo dục, y tế, mối quan hệ xã hội... và những rủi ro trong cuộc sống. Vì vậy càng nhiều tiêu chí đánh giá thì độ chính xác và tính đại diện sẽ cao hơn. Ít tiêu chí có thể là nguyên nhân khúc xạ sai lệch

Năm 2002, tôi tham gia một nghiên cứu với các nhà khoa học Châu Á. Trong nghiên cứu về giá trị Châu Á có đề cập đến chỉ số hạnh phúc của Việt Nam. Nhưng Việt Nam chỉ xếp hạng từ 10 - 15 trong số hàng chục nước Châu Á. Vì vậy, Việt Nam đứng thứ  2 thế giới về chỉ số hành tinh hạnh phúc theo xếp hạng của NEF là kết quả bất ngờ.  Bản thân tôi chỉ coi đó là một thông tin bởi còn rất nhiều câu hỏi đặt ra. Chúng ta không thể dựa vào xếp hạng  của NEF để quá tự hào hay lạc quan tếu.

Nhu cầu càng đơn giản càng hạnh phúc

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia KT-XH: 


Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

SỰ THẬT - MUA MỘT TẶNG HAI

http://www.buudoan.com/2012/06/su-that-mua-mot-tang-hai.html#more


Chuyện kể rằng, chứng kiến trước cảnh đau thương vì sự gian trá, lường gạt giữa con người với nhau, một thiên thần ẩn dạng dưới một nhà hiền triết rao bán “sự thật”. “Mời mua sự thật, mời mua sự thật, mua một tặng hai. Mua sự thật sẽ được tặng tự do và hạnh phúc”. Nhà hiền triết rao to tiếng giữa phố phường, chợ búa.
 
Một chính trị gia dừng lại và hỏi: “Làm thế nào để mua sự thật? Giá bao nhiêu?”. Nhà hiền triết đáp: “Giá của sự thật là sự thật. Và ông sẽ được tặng thêm tự do và hạnh phúc”. “Xin ngài cho biết cụ thể hơn?”. Chính trị gia hỏi tiếp: “Xin thưa - nhà hiền triết trả lời - Cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, ông trung thực trả lời ba câu hỏi sau: 1-Tôi đã sống đúng với sự thật? 2-Tôi đã dám sống cho sự thật? Và 3-Tôi đã sống vì sự thật không? Giá để trả cho món hàng sự thật là ông sống với (cảm nghiệm), sống cho (phục vụ), và sống vì (bảo vệ) sự thật. Khi ông sống như thế, ông sẽ được sự thật, và còn được tặng thêm tư do và hạnh phúc nữa”. Chính trị gia cầm món “sự thật” về nhà bắt đầu thực hành với ba câu hỏi trên. Nhưng chỉ vài hôm sau, ông đã trả lại món hàng ấy vì hằng ngày ông thường bàn đến chiến tranh, thế lực, phe nhóm, hơn thua. Ông thừa nhận rằng, ông chưa đủ can đảm lên tiếng bênh vực cho nạn nhân vô tội. Ông chưa can đảm bảo vệ sự thật cho các nước nghèo và dân tộc xấu số. Tiền bạc và quyền lực xem chừng mạnh hơn sự thật.

Một nhà tu đi ngang qua nghe ông cụ rao: “Mời mua sự thật, mời mua sự thật. Mua một tặng hai”. Tò mò, tu sĩ dừng lại và nói: “Tôi là người rao giảng sự thật, ông biết gì về sự thật mà bán?”. Nhà hiền triết tươi cười đáp: “Con rất mừng và cám ơn ngài là người rao giảng sự thật. Chỉ có điều là nếu ngài muốn có tự do và hạnh phúc thật sự thì xin ngài cầm lấy món hàng “sự thật” và thử dùng xem sao?”. Sau khi được giải thích về giá cả, nhà tu đưa “sự thật” về nhà và bắt đầu thực hành. Nhưng cũng chỉ vài hôm sau, vị tu sĩ cũng trả nó lại, vì mỗi lần đọc kinh nguyện, tiếng kêu khóc của người nghèo, của những quả phụ, của các em nhỏ, của nạn nhân bị áp bức bất công như nhảy múa trên từng trang kinh. Người tu sĩ thấy rằng, mình có sống với sự thật, nhưng mình chưa can đảm sống cho và vì sự thật. Sự thật mời gọi mình đi ra khỏi cảnh yên hàn cửa nhà tu để đến với những con người đang bị chà đạp phẩm giá. Ông thấy rằng, sự yên ổn ngại dấn thân dường như mạnh hơn sự thật mà ông đang rao giảng, điều này làm ông trả lại “món hàng”.
 
Tiếng rao: “Mời mua sự thật, mời mua sự thật, mua một tặng hai” vẫn được vang lên. Một cụ già nông dân dừng lại và nói to: “Sự thật có cóc gì mà phải mua. Sự thật là quà tặng. Tôi được tặng nó từ lâu rồi”. Nhà hiền triết tỏ vẻ vui mừng, nói: “Chúc mừng bác. Thế ai tặng cho bác?”. Ông nông dân đáp: “Tôi không biết ai đã tặng tôi, nhưng từ nhỏ ba tôi đã dạy tôi chỉ sống từng ngày. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, ba giúp tôi nhìn thẳng vào lòng mình và trả lời ba câu hỏi thật nghiêm túc: 1- Tôi có sống thật với nhân phẩm cao quí của tôi không? 2- Tôi có sống cho những gì mà tôi yêu, tôi tin không? Và 3- Tôi có can đảm làm chứng cho sự thật không? Nhà hiền triết mỉm cười mãn nguyện và thưa: “Bác đã có tất cả rồi. Chúc mừng bác”.
* * *
Bạn thân mến, câu chuyện tưởng tượng trên một lần nữa đề cao giá trị của sự thật. Nói đến sự thật ai ai cũng mong mỏi và khao khát để chiếm lấy, vì nó rất trong sáng, rất tinh tuyền và rất mạnh mẽ. Ai dám sống với, cho và vì sự thật thì sẽ cảm nghiệm thế nào là tự do và hạnh phúc đích thực.
 
Sự thật là điểm chuẩn trong gia đình, trong đoàn thể, và trong xã hội. Quan tòa tìm sự thật để kết tội hay tha bỗng cho bị cáo. Sự thật có thể dẫn người ta đến hòa khí, tha thứ nhưng khi không chấp nhận sự thật người ta có thể chia tay. Sự thật có thể giúp người ta tìm ra ánh sáng, hạnh phúc, nhưng khi không chấp nhận sự thật, người ta có thể vì xấu hổ, rút lui vào bóng tối của ẩn ức, hận thù.
 
Giá của sự thật phải được “mua” bằng sự thật! Nếu không phải mua bằng sự thật thì điều gì có giá trị hơn sự thật để mà đổi chác? Một tội nhận được ơn thứ tha chỉ khi anh ta thật lòng nhìn thấy sự thật là mình đã lầm lỗi. Mối quan hệ rạn nứt chỉ có thể hàn gắn khi nhận ra sự thật rằng mình cũng có phần trách nhiệm trong sự việc này. Lòng mình không bình an thì cần phải nhìn sự thật là có khi mình còn kiếm tìm và lo xây thành đắp lũy cho cái tôi của mình.
 
Thưa bạn, mục Sống Sao Cho Đẹp mời bạn trở lại thật với lòng mình, với thân phận mình để từng ngày tìm câu trả lời cho ba câu hỏi mà vị hiền triết nêu trong câu chuyện. 1- Bạn có sự thật trong người chưa? 2- Bạn đã sống cho sự thật chưa? 3- Bạn đã can đảm để bảo vệ sự thật chưa?



LỜI BÌNH :
 Bàn về sự thật, Thảo Lư xin chuyển hầu câu chuyện Thôi Trữ giết vua:

TT làm đại phu từ thời Tề Huệ công và được lòng vua Tề. Đến thời Tề Linh công, nước Tề xảy ra việc tranh chấp thừa kế ngôi vua giữa công tử lớn Khương Quang và công tử nhỏ Khương Nha. Thôi Trữ ủng hộ Khương Quang, đưa Khương Quang lên ngôi là Tề Trang công

Thôi Trữ có người vợ lẽ tên Đường Cơ rất xinh đẹp. Tề Trang công mê mẩn nên thường lén lút đến tư thông. Thôi Trữ biết chuyện nên rất tức giận, nhưng bàn cùng Khánh Phong chờ thời cơ’’giết kẻ tình địch’’ – thực chất là làm phản….

Nhân dịp Tề Trang Công mở tiệc đãi vua nước Cử, Thôi Trữ – Khánh Phong thấy thời cơ đã đến bàn nhau thực hiện ý đồ. Khánh Phong’’xui’’ Thôi Trữ ra tay tại phủ của mình rồi vu cho là giết kẻ dâm đạo… TT nghe theo, tiến hành - Doạ Đường Cơ nghe lời mình. Đường Cơ sợ, nghe theo, phao tin TT ốm không dự tiệc chiêu đãi. Trang công nghe tin, nhân danh đến thăm Thôi Trữ, nhằm để gặp Đường Cơ. TT bố trí sẵn, sai thủ hạ vây bắt, giết Tề Trang Công.

Theo quy định của các triều đại phong kiến xa xưa: Mỗi triều có một’’Viện sử’’ do quan Thái sử chuyên việc ghi chép mọi hành vi của vua, mọi diễn tiến của triều đình để đời sau biết. Việc TT giết TLC khiến những người viết sử bất bình, toàn dân căm ghét. Thôi Trữ biết vậy, vội đến gặp quan Thái sử , yêu cầu cho xem việc ghi chép sự kiện này ra sao? TT đọc , quan Thái sử viết: “ Tháng 5, mùa hè , Thôi Trữ giết vua” –Thôi Trữ hầm hầm nổi giận, bắt chép khác đi. Thái sử không chịu. Thôi Trữ quát: Phải chép là Vua chết đột tử vì bạo bệnh.

Thái sử im lặng…
TT rút gươm kề cổ người kia, nói: Nếu không sửa, ta sẽ giết ngươi!
Viên quan chép sử lặng lẽ vươn cổ chờ… TT chặt đầu ông ta rồi hầm hầm quay người định đi ra. Cũng đúng lúc có một người cầm bút đi vào. TT ngạc nhiên hỏi: Ngươi là ai? Vào đây làm gì.

Người kia đáp: Tôi là em thứ hai của quan Thái sử. Xin vào chép thay cho anh. TT cầm thanh gươm còn đang rỏ máu chỉ thây người anh, bảo: Ngươi chép đi! Phải chép là Vua bị bạo bệnh chết.

Người em im lặng cầm bút, viết!…
TT giằng cuốn sách…đọc… trợn mắt: Phải sửa. Nếu không sẽ chết như anh mày.
Người em nghểnh cổ, nhắm mắt vẻ chờ đợi. TT lại chém, đầu người rơi xuống.
Chưa kịp quay lại, đã thấy sau lưng có tiếng nói to: Ta là em thứ 3 của quan Thái sử đến chép thay hai anh đây.

TT trừng mắt, gằn giọng, hỏi: Ngươi chép đúng như hai thằng anh hay chép theo ý ta?
Người kia dõng dạc: Người chép sử phải trung thực, dù có chết cũng không được chép sai. Ngài giết vua thì phải chép đúng, một chữ cũng không thể thay đổi.

TT vung gươm chém lia lịa vào người kia, vừa chém vừa gầm gừ: Các ngươi đã điên thì ta cũng điên… TT càng lúc càng hăng – bổ gươm xuống đống thịt bầy nhầy, gào to: Thuận ta thì sống, Nghịch ta thì chết… thuận ta thì…

Cũng đúng lúc đằng sau có tiếng quát vang: Tháng 5, mùa hè Thôi Trữ giết vua! Các anh ơi chờ em với!
Thôi Trữ ngẩng đầu nhìn: Một chàng trai còn rất trẻ, khí phách hiên ngang, trước ngực căng dòng chữ: Tháng 5, mùa hè, TT giết vua!

Thôi Trữ người ướt đẫm mắu tươi của 3 anh em quan Ngự sử, cảm thấy không còn hơi sức, hỏi chàng thanh niên giọng đứt quãng:
- Ngươi… là ai? Không sợ chết… à?
- Ta là em thứ tư của quan Thái sử. Ta đến đây là để thay 3 anh chép tiếp đoạn văn – sử này. Ông có thể giết cả nhà ta, nhưng không thể giết được lịch sử của dân tộc Tề.

Vừa lúc… bên ngoài cửa ồn ào…
TT liếc nhìn ra thấy có đông người đứng nhìn y với vẻ chăm chú… TT buông thanh kiếm, giang hai tay đưa lên đầu, miệng thều thào: Ta chịu thua các ngươi rồi. Nói đoạn thất thểu đi ra.

Người em tiến đến nhặt đầu, xếp thân xác các anh cùng hàng ngay ngắn. Đám người bên ngoài ùa vào.

Người em hỏi: Các vị là ai, sao lại đến đây? Một người lớn tuổi nhất cúi vái lạy anh em nhà quan Thái sử, nói: Chúng tôi nghe tin ngài đến đây, bảo nhau đứng xếp hàng chờ bên ngoài. Nếu TT giết ngài chúng tôi lần lượt vào thay!

Giờ không biết còn có quan Ngự sử giống thời đó nữa hay không?

Cũng xin mượn một tựa bài của TL (có cải biến đôi chút) để nói lên sự thật: Nude tất cả, trừ sự thật!

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

“Các em chẳng có gì đặc biệt”

http://bocau.net/blog/lienhoa/16096-cac-em-chang-co-gi-dac-biet.html


Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ) tuần trước, giáo viên tiếng Anh David McCollough Jr đã gây sốc khi nói thẳng: “Các em chẳng có gì đặc biệt”.

Thế nhưng, bài phát biểu của David McCollough lại được nhiều tờ báo và hãng tin Mỹ đăng tải, và thu hút được hàng chục ngàn comment (bình luận) trên mạng Internet, phần lớn đều ủng hộ thông điệp của ông McCollough.
 
Giáo viên David McCollough Jr khi đọc bài diễn văn gây sốc. (Ảnh: The Swellesley Report)
Giáo viên David McCollough Jr khi đọc bài diễn văn gây sốc. (Ảnh: The Swellesley Report)
 
Trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp năm 2012, thay vì lặp lại những câu sáo mòn như “Chúng tôi rất tự hào về các em”, “Các em rất tài năng”, “Thế giới là của các em”..., ông McCollough đưa ra một thông điệp mà giới truyền thông Mỹ mô tả là “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”.
 
Wellesley High là trường công nổi tiếng ở thị trấn giàu có Wellesley, có truyền thống lâu đời và từng sản sinh nhiều nhân tài cho nước Mỹ. David McCollough Jr là con trai của nhà sử học - nhà văn David McCollough, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer.
 
Trước các học sinh của mình đang xúng xính trong bộ đồng phục tốt nghiệp giống nhau, đang háo hức cầm trên tay tấm bằng, McCollough dõng dạc nói rằng “Các em chẳng có gì là đặc biệt”, “chẳng có gì là phi thường”! Một gáo nước lạnh như được giội xuống mọi thành tích vẻ vang của trường!
 
Được chăm bẵm quá mức
 
Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, McCollough điềm nhiên nói tiếp: “Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng... cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ.

Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyện đó đâu nhé!”.
 
Đến đây, McCollough dẫn các học sinh vào một hiện thực đang chờ đợi mình. “Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên... Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì”.
 
McCollough dẫn dắt tiếp: “Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội... Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ởGuatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dânGuatemala”.
 
Hạnh phúc không tự tìm đến
 
McCollough nhấn mạnh mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. “Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có”.
 
Sau khi khuyên các học sinh hãy tiếp tục đọc sách thường xuyên, phát triển ý thức về đạo đức, khẳng định cá tính, dám ước mơ, làm việc chăm chỉ và tư duy độc lập, yêu những người mình yêu hết mình, McCollough nhắc nhở: “Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.
 
Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực đảm bảo quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian để nằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay”.
 
Kết thúc phát biểu của mình, ông McCollough nhắn nhủ các học sinh hãy tự chủ, độc lập, sáng tạo không vì sự thỏa mãn do hành động đó mang lại, mà vì những điều tốt đẹp nó đem đến cho người khác. “Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”.

Sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của bọn trẻ phình to. Do đó, tôi nghĩ chúng cần một cách suy nghĩ mới. Đưa chúng vào đời với cái tôi quá lớn chẳng khác nào làm hại chúng
McCollough khẳng định. Trả lời phỏng vấn Fox News, McCollough giải thích ông muốn các học sinh hiểu rằng chúng phải nỗ lực nếu muốn thành công trong cuộc đời.


Theo Tuổi Trẻ

Xúc động với bài văn về "thành công"

http://www.socola.vn/cuoc-song/nhip-song-tre/104689_Xuc-dong-voi-bai-van-ve-thanh-cong.aspx


Trên mạng xã hội Facebook, bài văn của một học sinh lớp 10 chuyên Văn một trường chuyên ở Hà Nội về "một bài học ý nghĩa, sâu sắc mà cuộc sống đã tặng cho em" đang nhận được nhiều chia sẻ.
Theo giới thiệu, bài văn được viết ngày 6/9/2006 và nhận điểm 9 với lời phê: "Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thực sự thành công đấy. Mong em tiếp tục thành công".

Xúc động với bài văn về thành công

Dưới đây là nội dung bài viết.

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng, đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.

Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.

Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ, cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?
Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.
Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá – học – của – một- người – cha.

Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.
Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.

Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.

Theo Vietnamnet