So với tổ tiên loài người, “người thông minh”
có bộ não lớn hơn - một bí ẩn mà các nhà khoa học lâu nay luôn muốn
khám phá. Theo các nhà nghiên cứu ở Ireland và Scotland, câu trả lời có
thể là sự tương tác xã hội giúp não chúng ta tiến hóa.
Làm việc nhóm giúp con người phát triển hơn
Các chuyên gia tin rằng làm việc chung
với người khác giúp con người tồn tại, nhưng con người phải có bộ não đủ
lớn để đối phó với mọi vấn đề phức tạp trong xã hội.
Qua mô hình trên máy tính, nhóm nghiên
cứu đã tái tạo não người, cho phép mạng lưới tế bào thần kinh tiến hóa
để ứng phó trước một loạt những thách thức xã hội. Có 2 tình huống giả
định được đưa ra. Một là 2 đồng phạm bị cảnh sát bắt giữ, họ phải quyết
định có tố cáo đối tác hay không. Hai là 2 người bị kẹt trong chiếc ôtô
giữa đống tuyết, phải cân nhắc có nên hợp tác với nhau để tự giải thoát
hay để cho người kia làm một mình. Trong hai trường hợp, người ích kỷ
được lợi nhiều hơn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bất ngờ phát hiện khi não tiến hóa, người ta có xu hướng chọn cách hợp tác. “Chúng
ta thường xuyên hợp tác với những người khác, điều đó đòi hỏi chúng ta
phải có khả năng nhận thức để thấy ai đang làm gì đó cho mình và giúp
bản thân thay đổi cách cư xử sao cho phù hợp”, nhà nghiên cứu Luke McNally giải thích, đồng thời cho biết hợp tác làm việc và năng lực trí não “nuôi sống lẫn nhau”.
Ông cho rằng hợp tác cũng ẩn chứa sự suy tính. Chẳng hạn, nếu người
khác hợp tác và bạn lừa họ, lần sau, khi làm việc cùng nhau, họ có thể
nghĩ: “Anh ta đã lừa mình, mình sẽ không hợp tác với anh ta”. “Vì vậy, cơ bản là bạn phải hợp tác để nhận được sự hợp tác về sau”, McNally kết luận.