Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Bài diễn văn hay nhất về loài chó

http://khuccamta.net/diendan/showthread.php?t=891

Diễn văn của luật sư Georges Graham Vest tại một phiên tòa xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Saller của The New York Times bình chọn là hay nhất trong tất cả các bài diễn văn, lời tựa trên thế giới trong khoảng 100 năm qua.

Thưa quý ngài hội thẩm! Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hoá ra kẻ thù quay lại chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi có thể là một lũ vô ơn. Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận. 
 
Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ ta đi, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở,đó là con chó của ta.

Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như trong lúc bần hàn, khi khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi ta va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân bại danh liệt thì vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù. Và một khi trò đời hạ màn, thần chết rước linh hồn ta đi để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy khi tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ. Thì khi ấy còn bên nấm mồ ta con chó cao thượng của ta nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở ra cảnh giác, trung thành và chân thực ngay cả khi ta đã mất rồi.


Georges Graham Vest (1830-1904)
__________________

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Tình làng nghĩa xóm

http://dantri.com.vn/c130/s130-528034/tinh-lang-nghia-xom.htm


Nhà ông Luận, ông Ba cách nhau cái hàng rào trồng hoa râm bụt. Đất đai từ thời ông bà để lại có nhiều điều không thống nhất. Hôm ông Luận phá hàng râm bụt làm rào tre, ông Ba đi vắng, ông Luận tự ý lấn qua, ranh giới không như vị trí cũ.

Từ hôm đó, hai nhà ngày nào cũng cãi nhau om xòm, có bao điều xấu xa từ thời "cổ đại" nếu còn nhớ thì tung ra để "nhục mạ" đối phương. Cô Cúc con của ông Luận về làm dâu đã được 3 năm. Ba năm trường mà chưa sinh được mụn cháu nào cho ông Luận. Nhân cơ hội này, cô Me con ông Ba thừa cơ hội chọc vào nỗi đau của người khác: “Lấy chồng ba năm mà không chửa, “điếc” rồi”. Cô Cúc cũng chẳng phải tay vừa: “Ới giời ơi, dù sao bà cũng lấy được chồng. Chứ loại hàng tồn kho, lúc nào cũng nớm nớp như có bom nổ chậm trong nhà”. Vốn cô Me ế chồng đã nhiều năm nay, hơn 30 tuổi mà chẳng có cánh đàn ông nào lui tới.

Cuối cùng cũng nhờ ông trưởng thôn đến giải quyết, ông Luận phải nhượng bộ ông Ba, để cái cột trụ hàng rào về đúng vị trí cũ. Tuy nhiên cuộc đấu khẩu vẫn kéo dài mấy ngày sau vì ông Luận chưa phục, cả con cháu đều ấm ức.

Bữa thằng cháu ông Ba sang nhà chơi với đứa cháu đích tôn ông Luận, hai đứa nhỏ tranh giành đồ chơi của nhau, đánh nhau khóc inh ỏi. Chuyện trẻ con thành chuyện người lớn. Hai ông lại cãi nhau, con cái hai nhà rượt đuổi nhau khắp làng. Lại một lần nữa nhờ ông trưởng thôn nên mọi chuyện mới im xuống, nhưng hai nhà láng giềng vẫn còn "chiến tranh lạnh".

Một thời gian không lâu sau, trận lụt làm cả xã ngập chìm trong nước. Nhà ông Luận và ông Ba cũng bị cô lập. Nước ngâm hơn một ngày. Biết nhà ông Luận đói và đông con cháu, ông Ba đưa sang 5 gói mì tôm cứu đói. Ban đầu sĩ diện không nhận, nhưng sau nhìn mấy đứa cháu đói nên ông Luận nhận. Hết lụt, ông Luận sang nhà ông Ba chơi. Mới đầu còn ngần ngại, sau một tách trà nói chuyện, dường như hai ông tìm được tiếng nói chung.

Cả xóm Cồn ai cũng khen ông Ba biết sống, khéo ứng xử. Đúng là trong lúc hoạn nạn, tình làng nghĩa xóm luôn đặt lên hàng đầu dù trước đó không bằng lòng với nhau.      

Đó là chuyện dưới quê, xa lắc xa lơ. Giờ ở thành phố, hàng xóm cùng khu chung cư, sát vách nhiều năm mà chẳng biết tên, gặp nhau gật đầu nhếch mép cười lấy lệ. Nhà có người ốm chẳng biết gọi ai, gõ cửa hàng xóm nửa đêm không đành. Chợt buồn vui vây quanh. Nhớ tới cái làng cát ở quê có những người hàng xóm “rách việc” mà thèm...


Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Bạn khác bè con ạ !

http://dantri.com.vn/c130/s130-522175/ban-khac-be-con-a.htm


 Bố mẹ khác thế hệ con nhưng chắc không quá lạc hậu để nhìn nhận sự việc và nhận xét về đối nhân xử thế. Nhiều lúc mẹ nhìn đám bạn của con tự hỏi, không biết con ở nơi khác có giống họ không?

Mẹ thừa nhận xã hội hiện đại, các mối quan hệ của con người cũng trở nên rộng rãi hơn, phong phú hơn. Bạn bè con vì thế cũng nhiều hơn rất nhiều thời của bố mẹ. Thời trước bố mẹ chỉ có bạn học ở lớp ở trường, đi xa hơn thì có bạn đồng hương, cùng cơ quan… Nay con có bạn quen qua chat, bạn chuyên đi shopping, bạn ở lớp học chính, lớp học thêm, bạn ở câu lạc bộ, bạn trên diễn đàn, bạn của bạn… Nói chung đủ cả.

Mẹ không cấm con kết bạn nhưng mẹ có cảm giác bạn của con hơi tràn lan, và việc chọn bạn mà chơi của con quả thực hơi dễ dàng. Mỗi lần mẹ nói con đều bảo mẹ cần tôn trọng bạn bè con, nhưng con ạ, “bạn” khác “bè”.

Nhớ cái lần mấy đứa bạn “xanh đỏ” (bố con gọi vậy khi nhìn thấy mái tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ của chúng) của con đến nhà chơi, bố mẹ biết ý lên gác 2 để các con được thoải mái. Từ trên gác mẹ nghe thấy có cậu hỏi: “Chính quyền đầu rồi”, rồi tiếng con trả lời: “ngọa hổ tầng 2”, cậu bạn khác trả lời: “Tốt rồi, vô tư đi”. Bấy giờ mẹ mới hiểu “chính quyền” là chỉ mình. Biết vậy nhưng từ sáng cho đến trưa không có một ai trong đám bạn của con lên  chào hỏi “chính quyền” cho phải phép. Gần trưa có mấy cô gái tới mang theo mấy bịch thức ăn sẵn mua tại siêu thị…rồi hồn nhiên mở ra “đánh chén” mà quên mất mời bố mẹ bạn ra ăn cùng cho phải phép. Thực ra nếu các con có mời bố mẹ cũng đâu có xuống ăn cùng, bố mẹ biết ý để các con thoải mái cơ mà.

Thế là từ sáng đến quá giờ trưa bố mẹ phải giam mình trên gác không dám bước xuống nấu cơm ăn sợ các con hiểu lầm, đành phải ôm bụng chịu đói như tù giam lỏng. Chiều muộn khi các bạn con chuẩn bị ra về, bố định xuống góp ý với các con nhưng mẹ ngăn lại bảo chúng còn trẻ con, mình góp ý với con mình trước đã.

Lại có hôm bạn con đến rủ con đi chơi. Thay vì dắt xe vào nhà và ngồi đợi, các bạn con ngồi trên xe máy nổ xe ầm ầm khắp ngõ nhỏ và gọi với lên. Mẹ ra mở cửa, chẳng được một lời chào tử tế, chỉ một câu cụt lủn: “Cháu đến tìm Nguyên ạ” và vẫn ở tư thế sắp phóng vọt đi đến nơi rồi.

Lại còn chuyện bạn bè con gọi điện tới cứ nghe thấy giọng bố hay giọng mẹ là dập máy đến…bụp. Có hôm bạn con gọi điện đến nhà và để lại lời nhắn thế này: “Bác cho cháu gặp Nguyên eke”, “Nguyên đi học rồi cháu ạ”, “Vậy bác nhắn lại cho Nguyên eke là có Tuấn đại ca và Vinh sike gọi điện tới ạ”. Mẹ nghe mà giật mình, ngôn ngữ của giới trẻ bọn con đúng là thế hệ bố mẹ không theo kịp.

Mẹ để ý thấy đám bạn của con chỉ gặp nhau khi cần chơi bời tụ tập. Còn khi cần học nhóm hay khi khó khăn là tuyệt nhiên chẳng thấy ai. Chơi với nhau lâu nhưng chẳng biết hoàn cảnh gia đình của nhau, bạn bè ốm đau chẳng thấy mặt. Ngoài cái tên gọi bố mẹ cũng chẳng biết cậu bạn này của con học trường nào, ở đâu, bố mẹ ra sao.

Tình bạn chân chính rất đáng quý bởi họ sẵn sàng xuất hiện con khi con gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ. Một người bạn tốt là nơi con có thể chia sẻ mọi nỗi buồn, niềm vui và những khúc mắc trong cuộc sống. Còn đám bạn kia của con thật sự mẹ không muốn gọi là “bạn”, nó gần với nghĩa “bè” hơn. Người xưa đã từng nói: “Hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh thuộc loại người nào”. Mọi người sẽ nhìn vào bạn bè của con mà đánh giá con đó, con ơi. Vì thế mẹ mong con hãy biết “chọn bạn mà chơi” con nhé.



.

Lòng Biết Ơn

Sau kỳ thi tốt nghiệp, trong cuộc họp chia tay ở một lớp 12 trường chuyên, thầy hiệu phó bước vào, nhắn nhủ những lời cuối cùng với đám học trò yêu quý. Thầy bỗng hỏi: “Các em đã đi cảm ơn hết chưa?”. Lớp học ngơ ngác. Thầy hiệu phó trầm giọng: “Tôi muốn các em trước khi rời khỏi trường, hãy đến cảm ơn những người đã giúp đỡ các em học hành và lớn lên từ ngôi trường này. Từ các chị lao công đến chú giữ xe, từ cô thủ thư đến bác bảo vệ… Tất cả. Họ đã âm thầm đứng bên cạnh các em nhiều năm qua!”. Thầy ra khỏi, một bạn nào đó nói to từ cuối lớp: “Tụi mình sẽ tới gặp các cô các bác ấy như thế nào? Nói gì để bày tỏ lòng biết ơn nhỉ?”. Câu hỏi đơn giản nhưng không có lời đáp. Cuối giờ, mọi người giải tán. Không ai làm như lời thầy dặn, có phải họ không biết cách nói lời giản đơn? 

Đầu đợt hè vừa rồi, N - một bạn học sinh trường Bùi Thị Xuân - “nghỉ chơi” nhỏ bạn thân nhất. Gia đình bạn của N mở một cửa hàng bán hoa và quà lưu niệm. N hăng hái giúp đỡ bạn dọn dẹp, trang trí và tham gia tiếp tân trong buổi lễ khai trương. Mọi việc hoàn tất, nhỏ bạn đưa cho N một phong bì đựng 200 ngàn đồng và phiếu mua đồ được giảm giá ngay tại cửa hàng. Món quà thay cho lời cảm ơn. N từ chối không nhận. Nổ ra cuộc tranh cãi nho nhỏ. Sau đó là giận dỗi. Khi kể cho tôi nghe chuyện này, N rơm rớm: “Giá như bạn ấy đừng nói gì, đừng làm gì, em còn thấy dễ chịu hơn. Em giúp bạn vì tự nhiên, bạn bè với nhau mà. Nhưng cái phong bì và cách cảm ơn em chưa quen được, đã làm hư hết mọi thứ…” Nhìn đôi mắt buồn thiu của N, tôi tự hỏi cô bé 16 tuổi ấy quá nhạy cảm. Hay là tại lòng biết ơn giờ đây được bày tỏ quá thẳng thắn và cụ thể? Cụ thể đến mức đã trở thành “thói quen” được chấp nhận trong quan hệ sống hôm nay? 

Một người bạn thời trung học của tôi có bố hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Mỗi năm, đến ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 hay các dịp lễ tết, bạn lại được nhận quà từ ủy ban nhân dân quận. Thiếu cha, mẹ thì có gia đình khác, bạn tôi sống với người bác, vừa làm vừa học. Lớn hơn bạn bè vài tuổi, nhưng sức học của bạn tôi không khá lắm. Đầu năm lớp 12, thầy chủ nhiệm, dạy toán, khuyên bạn đến lớp học thêm ở nhà thầy. Thầy không thu học phí. Chẳng bao giờ thầy nói lý do. Nhưng chúng tôi tự hiểu, thầy thương bạn mồ côi, con liệt sĩ. Hơn hết thảy những bài thơ lời nhạc, hành động của thầy chủ nhiệm khắc vào suy nghĩ của đám học trò chúng tôi ấn tượng về tình thương, về lòng biết ơn với quá khứ, thật giản dị. Và bạn tôi, người đón nhận nó, chưa bao giờ phải thấy tủi thân. 

Cuộc sống tốc độ của ngày hôm nay khiến nhiều hành vi cư xử của giới trẻ thay đổi, khác biệt rất nhiều so với các thế hệ trước. Lời cảm ơn xã giao, dấu hiệu đầu tiên của con người văn minh lịch sự, được nói nhiều hơn. Nhưng lòng biết ơn chân thành và bền lâu ngày một ít đi. Sự đền đáp dần dần được hiểu như một sự “có qua có lại”, bằng vài việc cụ thể, bằng quà cáp. Sau đó không còn vướng bận dây dưa. Nhiều người vội tiếc rẻ ngày xưa tình nghĩa. Thực ra, lời than thở ấy chỉ đúng với một số người trẻ, không phải tất cả. 

Các bạn trẻ hôm nay còn có cách bộc lộ khác. 
Tôi chưa kể về đoạn kết có hậu trong buổi họp chia tay của lớp 12 chuyên đã nhắc ở trên. Các thành viên của lớp khi ấy chưa làm như lời thầy dặn. Bởi các bạn đã thống nhất cùng về lại trường sau kỳ thi, vào ngày khai giảng. Các bạn sẽ nỗ lực hết mình thi đậu đại học. Đến khi ấy, lời cảm ơn thầy cô, và lời cảm ơn những cô chú phục vụ ở ngôi trường thân yêu này chắc chắn sẽ được nói ra tự nhiên hơn, hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn hơn. 
Cùng xây đắp cho mục tiêu tương lai, đó cũng chính là nơi hội tụ hai tiếng cảm ơn chân thành nhất của thế hệ chúng mình, phải không bạn?