Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Con cũng chỉ là người bình thường

http://dantri.com.vn/c130/s130-493820/con-cung-chi-la-nguoi-binh-thuong.htm

Con biết ba mẹ luôn mong muốn con là một người xuất sắc, có thành tích vượt bậc cũng chỉ vì ba mẹ luôn kì vọng vào con và mong muốn những điều tốt nhất cho con. Ba mẹ mong muốn đào tạo con là một “công dân thế giới”- giỏi văn hóa, tiếng Anh như gió, vi tính cũng rất cừ, biết thể thao, thành thạo kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm…

Con nhớ hồi con học lớp 1 mẹ nhất quyết bỏ ra không biết bao nhiêu tiền để con đi học tiếng Anh ở các trung tâm tiếng Anh quốc tế. Con ngại giao tiếp, vốn Tiếng Anh cũng không nhiều, nên chẳng dám nói chuyện với ai. Kết quả là kỹ năng giao tiếp chẳng khá hơn là mấy.

Lên lớp 3 mẹ lại đầu tư cho con đi học vẽ và nhạc. Ba mẹ sắm cho con bao nhiêu là dụng cụ, nào là giá vẽ, nào bút màu… Nhưng 2 tiếng ngồi trong lớp học là cả một thử thách lớn với con. Bởi con không có năng khiếu vẽ, con cũng không thích vẽ lại cứ phải tô tô xóa xóa. Con chán đến nỗi cứ đến giờ học vẽ là cầu mong sao thời gian trôi qua thật nhanh, hoặc ước sao một tuần đừng có ngày thứ Sáu.

Rồi khi con tham gia lớp học đàn, cứ ăn cơm xong ba hò con mang đàn ra tập. Hôm nào cũng gõ từng bấy nhiêu bản nhạc nhưng con chẳng hề cảm thấy rung động. Nhiều hôm chán quá nhân lúc ba không để ý con gài chế độ tự động vào đàn, miễn là có âm thanh vang lên, ba mẹ tưởng con đang tập đàn là được.

Còn biết bao là lớp học khác mà con đã từng phải tham gia cho dù không hề thích. Con còn nhớ, có những bữa cơm mẹ kể chuyện con của cô bạn cùng cơ quan vừa đạt giải học sinh giỏi thành phố, lại nói tiếng Anh lưu loát, đàn hay. Rồi mẹ kết luận: “Sao con nhà người ta cũng ăn cơm thế, cũng ở thế mà lại giỏi đến vậy. Đẻ được đứa con thế cũng bõ những ngày tháng vất vả”. Ba mẹ có biết con đã tủi thân như thế nào không?

Con biết câu chuyện của ba mẹ chỉ nhằm mục đích “khích tướng” con gái. Nhưng ba mẹ xin hãy hiểu cho con, con đã cố gắng hết sức rồi.

Tự biết mình không có tài, con chăm ngoan, nghe lời ba mẹ. Con không bỏ học, không la cà quán xá, không đàn đúm bạn bè, không đua đòi ăn diện. Con đã cố gắng học hành chăm chỉ nhưng cuối năm cũng chỉ được học sinh tiên tiến.

Sắp tới đây con sẽ bước vào kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh - kỳ thi đại học. Ba đã từng nói với con: “Trường đó là trường quá tầm thường mà con không đỗ thì ba cũng chịu không còn gì để nói với con nữa”. Mẹ thì bảo: “Con cái nhà các bác bạn mẹ toàn chọn những trường đỉnh hơn nhiều, mà cầm chắc tấm vé vào trường rồi. Con chọn trường tầm tầm thế này cố mà giành thủ khoa…”. Con thấy rất áp lực. Con run sợ, nếu không đạt kết quả như ba mẹ mong muốn, mọi sự sẽ thế nào?

Con chỉ là một người bình thường. Tương lai con còn dài, biết đâu một ngày nào đó con sẽ phát hiện ra mình có sở trường về một ngành nghề nào đó. Vì vậy xin ba mẹ đừng so sánh, đừng tạo áp lực cho con bằng những kì vọng của mình. Con có thể không phải là một họa sỹ giỏi, một nghệ sĩ múa điêu luyện, một người nói tiếng Anh như gió hoặc một thủ khoa… nhưng chắc chắn con là một đứa con ngoan, hiếu thảo. Điều đó có đủ làm cho ba mẹ vui lòng?

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Những lá thư không được trả lời

http://thanhcavietnam.org/forum/showthread.php?t=31904


Có một người đàn ông bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn quá khủng khiếp đã làm ông mất cả hai chân và cánh tay trái. Thậm chí bàn tay phải của ông cũng chỉ còn ngón cái và ngón trỏ. Nhưng ông vẫn còn sở hữu một trí não minh mẫn và một tâm hồn rộng mở.

Suốt những ngày nằm viện, ông rất cô đơn vì ông không còn người thân hay họ hàng. Không ai đến thăm. Không điện thoại, không thư từ. Ông như bị tách khỏi thế giới.

Rồi vượt qua thất vọng, ông nảy ra một ý định: Nếu ông đã mong nhận được một lá thư đến thế, và một lá thư có thể đem lại niềm vui đến thế thì tại sao ông lại không viết những lá thư để đem lại niềm vui cho người khác? Ông vẫn có thể viết bằng hai ngón tay của bàn tay phải dù rất khó khăn. Nhưng ông biết viết thư cho ai bây giờ? Có ai đang rất mong nhận được thư và ai có thể được động viên bởi những lá thư của ông? Ông nghĩ tới những tù nhân. Họ cũng cô đơn và cần sự giúp đỡ.

Đầu tiên, ông viết thư tới một tổ chức xã hội, đề nghị chuyển những lá thư của ông vào trong tù. Họ trả lời rằng những lá thư của ông sẽ không được trả lời đâu, vì theo điều luật của bang, tù nhân không được viết thư gửi ra ngoài. Nhưng ông vẫn quyết định thực hiện việc giao tiếp một chiều này.

Ông viết mỗi tuần hai lá thư. Việc này lấy của ông rất nhiều sức khỏe, nhưng ông đặt cả tâm hồn ông vào những lá thư, tất cả kinh nghiệm của cuộc sống, cả niềm tin và hy vọng. Rất nhiều lần ông muốn ngừng viết, vì không bao giờ ông biết những lá thư của ông có ích cho ai hay không. Nhưng vì việc viết thư đã thành thói quen nên ông vẫn tiếp tục viết.

Rồi đến một ngày kia ông, cuối cùng ông cũng nhận được một bức thư. Thư được viết bằng loại giấy nhà tù, do chính người quản giáo viết. Bức thư viết rất ngắn, chính xác là chỉ có vài dòng như sau:

"
Xin ông hãy viết thư trên loại giấy tốt nhất ông có thể có được. Vì những lá thư của ông được chuyền từ phòng giam này sang phòng giam khác, từ tay tù nhân này sang tù nhân khác đến mức giấy đã bị rách cả. Xin cảm ơn ông."



Góc tâm hồn

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Chuyện con cái

 
 
 
Trò chuyện về con cái, cùng ca cẩm lũ trẻ bướng bỉnh, cậu đồng nghiệp của chị thở dài đưa ra kết luận, khiến chị giật mình lo nghĩ: “Chị để ý mà xem, đứa trẻ ở với ông bà và đứa chỉ ở với bố mẹ, chúng khác nhau nhiều đấy”.
 
Cậu ấy nói tiếp: “Hiếm ông bà nào không chiều cháu. Tình yêu ấy gần như là mù quáng, họ có thể dễ dàng nghiêm khắc với con mình, còn với cháu thì không. Chị em mình sau này khéo cũng thế vì tuổi già sợ cô đơn, có lũ cháu quây quần lại cứ quát mắng thì đứa nào muốn đến gần.

Như con nhà em tiếng là đi trẻ thật nhưng mà cũng vô kỷ luật lắm. Mưa không đi học, nắng không đi, ốm thì đương nhiên được ở nhà, chưa kể hôm nào ông thích lại giữ ở nhà chơi với ông cho vui. Vậy là một tháng số ngày đi học chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Từ bé đến giờ khóc chưa được 5’ hết ông lại bà dỗ dành. Nó mới gần bốn tuổi mà bao phen vợ chồng em phải lắc đầu, bó tay vì cứ nói một đằng nó làm một nẻo, phải theo ý nó, không thì giãy giụa, lăn ra hờn khóc bằng được thì thôi”.

Chị im lặng vì thấy giống con nhà mình quá và không còn thấy tự hào, yên tâm tểnh tềnh tênh được ông bà nỏ nom trông con hộ nữa. Dường như ông bà và cả bố mẹ đều khó lòng nhận biết con mình ngoan hay chưa. Chị nghĩ rằng mình phải dành thời gian để định hướng lại suy nghĩ, phân tích cho ông bà hiểu, cây non mới dễ uốn và không phải lúc nào chiều cháu cũng là tốt.

Để làm được trước hết, chị cần tìm được đồng minh chồng. Chị quyết tâm cứng rắn và dọa chồng không rèn được thì đứa sau chị sẽ dọn ra riêng, chịu vất vả một chút còn hơn là bất lực nhìn con lớn lên không theo “lề phải” và cách giáo dục của mình.

Đang loay hoay tìm cách thì đợt đó mẹ chồng nhờ chị chở về quê thăm dì của mẹ đang bệnh, nằm liệt gường.

Vừa lọ mọ đến cổng thì thấy một đám con nít đang đứng chơi. Lũ trẻ nhem nhuốc giương mắt lên nhìn chẳng chào, thằng bé độ ba tuổi ra dáng “đàn anh” đến quát: “Sao mày dám vào nhà tao?”, mẹ chồng chị trố mắt, hai người tiến vào hỏi thăm ông Thuận là con của dì. Nó lại tiếp tục gân cổ lên: “Mày có muốn tao đập chết không?”. Cậu từ trong nhà chạy ra nghe thấy những lời hỗn hào vậy nhưng vẫn bô bô nói cười và chỉ đuổi bọn trẻ ra sân chơi kèm giọng nói bình thản như đã quá quen với thái độ của chúng: “Cháu nội em đấy, bọn quỷ sứ”.

Hai mẹ con ngỡ ngàng đi vào buồng thăm dì, biếu mấy đồng và đặt hộp bánh lên cho bọn trẻ, chả biết có “mật thám” ở đâu báo mà bốn, năm đứa ùa vào, xông đến hộp bánh xé tơi tả, chia nhau không đều còn cấu chí, chửi bới và khóc lóc, chị giận sôi máu, nếu ở nhà chị hẳn mỗi đứa đã được một phát vào mông, nhưng chị còn giận hơn trước sự bình tĩnh của cậu: “Cái lũ này, đã xin bà chưa?”

Đến bữa ăn mới gọi là kinh hoàng, mẹ con chị đã nhất quyết từ chối mà vẫn bị kéo xuống ngồi dưới mâm. Có ba đứa trẻ ăn cùng thôi mà mâm cơm bị dùng đũa ngoắng loạn cả lên, gắp món này nhưng không thích lại vứt trả vào đĩa, người lớn chắc thấy bình thường nên chỉ nhắc mấy câu chiếu lệ rồi thôi.

Trên đường về chị thủ thỉ với mẹ chồng: “Bọn trẻ nhà cậu sống tự do mẹ nhỉ?”. Bà không còn nói câu quen thuộc “Kệ, nó còn trẻ con” nữa mà bà nói xối xả: “Mất dậy chứ tự do gì chúng nó”.

Chị cười thầm rồi nói tiếp: “Thấy cậu có vẻ quen với cảnh ấy nên chẳng thấy phản đối gì, chứ con cũng thấy gai mắt quá! À, hôm đứa bạn con đến chơi cũng góp ý là Nhím nhà mình hơi tự do, đòi gì ông cũng cho, lại chẳng thèm chào khi khách đến nhà…”. Mẹ chồng như tỉnh ra hỏi “Thế à?”, lát sau thì nói: “Phải chỉnh đốn lại ngay”.

Chị cùng chồng liền đưa ra một số nội quy nhờ ông bà giám sát hộ như: Không được ăn kẹo buổi tối, không ăn vặt trước giờ ăn cơm, có khách phải chào hỏi và từ tốn trong ăn uống, khách cho quà phải xin đàng hoàng, họ về mới được bóc ra. Khi bố mẹ mắng cháu, ông bà không được can thiệp…

Biết là khó nhưng vẫn phải làm, nhớ lại bọn nhóc nhà ông trẻ, hẳn bà nội cũng rùng mình nên có vẻ quyết tâm đưa nhóc nhà chị về “lề phải”. 

.