Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

người Nhật trong cơn khủng hoảng

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/03/110318_japan_culture_crisis.shtml

Nhật Bản đang cố gắng đối phó những thiệt hại do động đất và các trục trặc tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima.

Số người chết được xác nhận qua thiên tai động đất và sóng thần tại Nhật nay là 5.600.
Hơn 9.500 người vẫn được coi là mất tích, hàng chục ngàn người đang buộc phải lưu trú tại nơi ở tạm.

Quốc tế vẫn lo ngại phóng xạ thoát ra ngoài từ các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân.
Trong cơn khủng hoảng chưa được giải quyết này, nhiều người Việt Nam trong và ngoài Nhật Bản bày tỏ sự khâm phục trước tính cách người Nhật.

Kỷ luật, trật tự, không náo loạn
Tiến sĩ Nguyễn Đình Đăng, làm tại viện RIKEN, Viện nghiên cứu Lý-Hóa của Nhật Bản, nói với BBC hôm 17/03: "Tôi rất ngạc nhiên và khâm phục vì người Nhật rất bình tĩnh và trật tự. Họ không náo loạn, mà bình tĩnh theo dõi thông tin. Họ làm mọi biện pháp như đã được huấn luyện để tránh động đất, ví dụ chui dưới gầm bàn, vân vân."

"Điều thứ hai, họ là dân tộc rất có kỷ luật. Những ai đang làm nhiệm vụ đều có trách nhiệm. Sau khi có động đất, tôi thấy các dịch vụ bán hàng, lái tàu, vẫn làm đúng nhiệm vụ như bình thường."

Ông Đăng, người cũng viết trên Bấm blog cá nhân về Nhật Bản, đất nước mà ông gọi là "thực sự vĩ đại", kể thêm:
"Hay chuyện giao thông, để tiết kiệm điện, người ta phải cắt bớt số chuyến tàu. Từ chỗ tôi vào Tokyo bình thường có ba chuyến tàu, bây giờ cắt chỉ còn một. Người Nhật vẫn kiên nhẫn; họ biết tàu ít đi thì xếp hàng, không chen lấn. Tôi nghe con gái một anh bạn ở chỗ khác kể, phải xếp hàng hai tiếng để lên được tàu, nhưng họ rất trật tự. Không có cảm giác người này xô đẩy, la ó người khác. Đó là điều rất đáng khâm phục mà không biết là mình có học tập được không."

Hiện trên các trang mạng tiếng Việt cũng lưu truyền thư của ông Hà Minh Thành, người Việt làm cảnh sát ở Fukushima, để về các tấm gương hy sinh của người Nhật, kể cả trẻ em, sau thiên tai.
Khi đi lo cứu trợ nạn nhân động đất và sóng thần, ông Thành gặp một em nhỏ chín tuổi, người Nhật, cha mẹ đã mất.

Ông viết:
"Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: ' Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói'. Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.

"Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nó trả lời: 'Bởi vì còn có nhiều ng ười chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ."
Ông Hà Minh Thành viết tiếp:
"Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy người từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh."

Một số báo ở Việt Nam cũng khen người Nhật bình tĩnh, có kỷ luật, công dân nhận hàng cứu tế của nhà nước một cách trật tự, trong cảnh thử thách, thiên tai dồn dập.
Để so sánh, báo Sài gòn Tiếp Thị Bấm tường thuật sau trận mưa lụt ở miền Trung, xuất hiện cảnh giành hàng cứu trợ, kiện cáo, tố cáo nhau nhận nhiều hay ít.

Nói với BBC, giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh, giám đốc tổ hợp giáo dục Stellar Management ở Việt Nam, bình luận cung cách đối xử của người Nhật xuất phát từ hai lợi thế, đó là văn hóa và giáo dục.

"Không thể tưởng tượng có một lối ứng xử đặc biệt như thế. Mọi người vẫn bình thản, xếp hàng, vẫn nhường nhau. Điều đó không thể xảy ra ở một nước không có văn hóa."

Quá trình hiện đại hóa và trở thành lớn mạnh của Nhật Bản, đặc biệt từ sau tro tàn Thế chiến 1945, từ lâu vẫn làm nhiều người Việt Nam khâm phục và muốn tìm hiểu, mà điển hình là phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20.

Những câu chuyện mới nhất về cách ứng xử của người Nhật giữa khủng hoảng hiện nay dường như lại càng làm người Việt suy nghĩ và tự hỏi điều gì xảy ra nếu Việt Nam đối diện sự kiện tương tự.

.

Không có nhận xét nào: