1. Không nhất quán
Khi cha mẹ không nhất quán trong việc rèn luyện thói quen cho trẻ, bản thân trẻ sẽ thấy có những xáo trộn, rằng tại sao lúc thì mẹ cho phép ăn ở phòng khách, lúc lại không. Tại sao hôm qua mẹ cho xem TV đến 10h mới lên giường đi ngủ còn hôm nay lại không được thế.
Giải pháp: Hãy cố gắng nhất quán trong các quy định với trẻ một cách tối đa. Ghi các quy định lên bảng ghi nhớ của gia đình là tốt nhất. Nếu có thể giữ được 90% sự nhất quán nghĩa là bạn đã làm rất tốt. Với những ngoại lệ, hãy giải thích rõ cho trẻ hiểu tại sao lại như vậy. Trẻ sẽ dễ dàng hiểu và thực hiện nội quy tốt hơn.
2. Luôn phê phán
Nhiều bậc cha mẹ nhớ về những hành vi sai trái của con em mình hơn là nghĩ về những hành vi tích cực của chúng. Và, cha mẹ sẽ nhắc nhở chúng một cách thường xuyên kiểu như: “Con đừng có bày đồ chơi ra như thế”, “Con không nói trống không thế”, “Con không được…”. Trẻ sẽ hiểu rằng cha mẹ luôn ghét, không thương yêu chúng.
Giải pháp: Hãy ghi nhớ và chú ý khi trẻ làm điều gì đó tích cực và khen ngợi các hành vi tốt. Phần thưởng cho những hành động tích cực có thể chỉ đơn giản là lời khen hoặc cái ôm, nụ hôn của cha, mẹ. Những cách khen ngợi này thực sự rất hữu ích cho lứa tuổi mẫu giáo.
3. Đầu hàng trước những vòi vĩnh
Đứa con nhỏ của bạn luôn miệng lải nhải và vòi vĩnh? Trong lúc bạn đang gấp rút chuẩn bị bữa ăn tối, con bắt đầu khóc và vòi vĩnh: “Mẹ ơi con muốn đi chơi. Con muốn đi chơi ở công viên”.
Cha mẹ thường nhượng bộ trước những vòi vĩnh này của con. “Sự thỏa hiệp” đó đôi khi tạo cho trẻ một thói quen xấu. Khi trẻ đã vòi vĩnh được một lần, sẽ có những hành động tương tự ở những lần sau.
Giải pháp: Với những hành động kiểu như hờn dỗi, khóc lóc, tốt nhất cha mẹ nên để mặc con, hoặc nhất quyết không đồng ý. Chỉ cần vài lần như vậy con sẽ hiểu: “Cách này không lay chuyển được cha mẹ đâu” và không hờn khóc nữa.
4. Lên quá nhiều lịch cho trẻ
Cha mẹ thường kỳ vọng quá nhiều vào con nên bắt con học nhiều, sau đó lại thắc mắc tại sao con có thể lên giường ngủ ngay sau khi đi học về như thế. Thực tế là chúng ta đã lên cho trẻ quá nhiều lịch, khiến trẻ bị quá tải.
Tất cả trẻ em, nhất là trẻ em mẫu giáo, cần có thời gian để vui chơi, nếu không chúng sẽ rất mệt mỏi. Hãy cho phép chúng có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi thỏa thích khi kết thúc giờ học ở trường.
5. Đánh giá thấp vai trò của vui chơi
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng nên đăng ký cho con tham gia những chương trình bổ túc văn hóa, phát triển kỹ năng giúp con phát triển một cách tốt nhất về mặt trí tuệ. Tuy nhiên điều này thực ra không hoàn toàn đúng.
Điều tốt nhất, bổ ích nhất cho trẻ em ở lứa tuổi này là vui chơi, TS., nhà tâm lý học người Mỹ, Lawrence J. Cohen, cho biết. “Vui chơi là cách giúp trẻ phát triển trí não một cách tốt nhất. Qua những trò chơi, tự nhiên trẻ sẽ học được cách vượt qua thách thức, khó khăn”.
6. Lãng quên trẻ
Trẻ em giai đoạn này có thể chơi một mình rất ngoan ngoãn, nhưng điều đó không có nghĩa chúng không cần sự quan tâm, chú ý của bạn. Chúng cần bạn chơi cùng, hỏi han và chỉ bảo. Tuy nhiên nhiều bậc bố mẹ ngày nay, dù ở nhà với con nhưng lại bị cuốn hút bởi công việc, email, điện thoại…Trẻ em rất tinh tế, chúng nhận ra mình có được cha mẹ quan tâm hay không.
Giải pháp: Hãy lập thời gian biểu rõ ràng, trong đó có cả thời gian dành riêng cho con. Thà bạn bỏ ra nửa giờ tập trung chơi với con mà không bận tâm đến bữa tối và công việc còn hơn bỏ ra cả ngày chơi với con một cách nửa vời.
7. Phản ứng quá mạnh mẽ với nói dối
Cha mẹ thường lo lắng cho đạo đức của con sau này khi thấy con nói dối. Chính vì vậy họ thường có những phản ứng thái quá khiến trẻ sợ hãi, và có thể tiếp diễn hành động nói dối ở những lần sau.
Giải pháp: Đừng phản ứng quá mạnh. Hãy xem nói dối là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ. Không vội lật tẩy. Hãy kể cho trẻ nghe một câu chuyện nhỏ nhằm phủ nhận những điều trẻ nói. Nhớ rằng thói quen nói dối không sửa được trong ngày một ngày hai, nhưng nếu lần đầu bạn không thành công, hãy thử lại, và thử lại...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét