Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Cha mẹ và nỗi bất lực với con cái

http://dantri.com.vn/c130/s130-454159/cha-me-va-noi-bat-luc-voi-con-cai.htm


Dạy con không phải lúc nào cũng dùng vũ lực, la mắng hay chửi bới. Rất nhiều cha mẹ và con cái vì không hiểu nhau dẫn đến việc hòa hợp giữa hai bên gặp khó khăn.

“Con tôi đang học lớp 8, vậy mà đã nghiện game online, rồi kết bạn tụ tập uống café, hút thuốc lá, bỏ học, đánh nhau… không sao kiểm soát được. Càng đánh nó càng lỳ, tôi đã thử nói ngọt rồi dùng các biện pháp giáo dục nặng tay cũng chẳng ăn thua”, chị Nguyễn Thị Trân (ở quận Tân Phú) nói tới đứa con trai đầu lòng.

Đồng cảnh ngộ với chị Trân, chị Minh Huệ làm ở Ngân hàng Công thương cũng lắc đầu ngao ngán khi kể về cách dạy các con: “Không hiểu sao cháu không nghe lời mẹ mà chỉ sợ cha thôi. Nhưng cháu không sợ vì phục mà vì cái uy đòn roi. Tôi không biết phải làm sao để khuyên răn được cháu. Giờ đây hai vợ chồng đều thực sự cảm thấy thất bại với việc dạy con”.

Ngay tại buổi sinh hoạt chuyên đề “8 Nguyên tắc dạy con” của Hội quán các bà mẹ, rất nhiều chị đã đưa ra những nỗi lo âu về cách dạy dỗ con cái mình. Các câu “không biết làm sao”, “em hết cách với con em rồi” là những câu nói được lặp lại rất nhiều lần trong buổi sinh hoạt.

“Con mình sinh ra mỗi đứa 1 tính, 2 đứa đầu dễ dạy nhưng đứa thứ 3 thì rất khó dạy, cá biệt”. Chị Trâm phân trần. Ngoài ra chị cũng tự nhận ra điều khiến con mình hư chính là sự không gần gũi quan tâm từ bé đối với con của mình. “Khi trước tôi bận rộn công việc nên cho con học bán trú rồi đón con về nhà khóa cửa cho nó chơi máy vi tính, riết rồi xa con lúc nào không hay”.

Dạy con sao cho đúng

Nhìn nhận về điều này, chuyên viên tâm lý Bảo Nhi cho rằng: “Uy tín của người lớn cũng mất dần đối với trẻ khi thiếu sự nhất quán giữa lời nói và hành động của mỗi cá nhân hay giữa các cá nhân trong gia đình với nhau. Ví dụ về việc trẻ con làm vỡ đồ thì bị la mắng còn với người lớn thì không sao cả”.

Chính điều này vì không hiểu nên khiến các bậc cha mẹ và con cái ngày càng xa cách. Và sự thiếu tôn trọng qua những lời chê bai dành cho con, ép con học đến mức cướp đi tuổi thơ của con khiến trẻ vô cảm hay bắt con thực hiện ước mơ của mình, đòn roi với con cái là những sai lầm các bậc cha mẹ hay gặp phải.

Theo thạc sỹ xã hội học Trần Đình Dũng: “Có ít nhất 10 năm gần con thì con mới gần mình”, cha mẹ nên gần con, hiểu con, hãy làm bạn với chúng, chơi với trẻ ngay từ nhỏ.

“Trong sinh hoạt gia đình, người lớn cần thống nhất với nhau trong việc dạy con, hướng mục đích chung đến quyền lợi của đứa bé để cùng nhất quán trong hành xử và lời nói của mọi người, làm gương tốt cho con cháu, xây dựng thói quen tốt cho con cái từ bé”, thạc sĩ Dũng nhấn mạnh

Còn chuyên viên tư vấn Bảo Nhi chia sẻ thêm “1 lời chê cần 18 lời khen để cân bằng”, bậc phụ huynh không nên mắng chửi con cái theo kiểu “mày ngu quá” hay dán nhãn cho con theo kiểu nhận xét “mày là đứa không ra gì”... Thói quen so sánh con cái với người khác cũng nên xóa bỏ.

Cha mẹ cần có sự cân bằng trong yêu thương và nhân nhượng dành cho con cái, không nhân nhượng đối với cam kết của con cũng như không thất hứa với chính lời hứa của mình.

Ngoài ra, hiện tại các bậc phụ huynh ít coi trọng việc dạy con làm việc nhà từ thuở bé, cứ sợ con khổ nên làm hết mà không hiểu rằng đó không phải thương con mà là đang hại con, cướp đi quyền học hỏi của con mình.

Chính vì thế muốn con nghe lời, các bậc phụ huynh nên thường xuyên tiếp xúc, chia sẻ và để cho các bé cảm thấy có giá trị khi làm việc nhà. Nên cùng nhau tham gia những buổi nói chuyện với cả gia đình, hãy gắn kết nhau thông qua những buổi cơm gia đình.


Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Sai lầm cha mẹ hay gặp với trẻ độ tuổi mẫu giáo

TS. Tanya Remer Altmann, bác sĩ Nhi khoa, tác giả cuốn sách “Nỗi niềm của mẹ” giải đáp 101 câu hỏi của cha mẹ về những sai lầm hay gặp với trẻ sơ sinh và lứa tuổi mẫu giáo.

1. Không nhất quán

Khi cha mẹ không nhất quán trong việc rèn luyện thói quen cho trẻ, bản thân trẻ sẽ thấy có những xáo trộn, rằng tại sao lúc thì mẹ cho phép ăn ở phòng khách, lúc lại không. Tại sao hôm qua mẹ cho xem TV đến 10h mới lên giường đi ngủ còn hôm nay lại không được thế.
 
Giải pháp: Hãy cố gắng nhất quán trong các quy định với trẻ một cách tối đa. Ghi các quy định lên bảng ghi nhớ của gia đình là tốt nhất. Nếu có thể giữ được 90% sự nhất quán nghĩa là bạn đã làm rất tốt. Với những ngoại lệ, hãy giải thích rõ cho trẻ hiểu tại sao lại như vậy. Trẻ sẽ dễ dàng hiểu và thực hiện nội quy tốt hơn.

2. Luôn phê phán

Nhiều bậc cha mẹ nhớ về những hành vi sai trái của con em mình hơn là nghĩ về những hành vi tích cực của chúng. Và, cha mẹ sẽ nhắc nhở chúng một cách thường xuyên kiểu như: “Con đừng có bày đồ chơi ra như thế”, “Con không nói trống không thế”, “Con không được…”. Trẻ sẽ hiểu rằng cha mẹ luôn ghét, không thương yêu chúng.

Giải pháp: Hãy ghi nhớ và chú ý khi trẻ làm điều gì đó tích cực và khen ngợi các hành vi tốt. Phần thưởng cho những hành động tích cực có thể chỉ đơn giản là lời khen hoặc cái ôm, nụ hôn của cha, mẹ. Những cách khen ngợi này thực sự rất hữu ích cho lứa tuổi mẫu giáo.
 
3. Đầu hàng trước những vòi vĩnh

Đứa con nhỏ của bạn luôn miệng lải nhải và vòi vĩnh? Trong lúc bạn đang gấp rút chuẩn bị bữa ăn tối, con bắt đầu khóc và vòi vĩnh: “Mẹ ơi con muốn đi chơi. Con muốn đi chơi ở công viên”.
Cha mẹ thường nhượng bộ trước những vòi vĩnh này của con. “Sự thỏa hiệp” đó đôi khi tạo cho trẻ một thói quen xấu. Khi trẻ đã vòi vĩnh được một lần, sẽ có những hành động tương tự ở những lần sau.

Giải pháp: Với những hành động kiểu như hờn dỗi, khóc lóc, tốt nhất cha mẹ nên để mặc con, hoặc nhất quyết không đồng ý. Chỉ cần vài lần như vậy con sẽ hiểu: “Cách này không lay chuyển được cha mẹ đâu” và không hờn khóc nữa.

4. Lên quá nhiều lịch cho trẻ

Cha mẹ thường kỳ vọng quá nhiều vào con nên bắt con học nhiều, sau đó lại thắc mắc tại sao con có thể lên giường ngủ ngay sau khi đi học về như thế. Thực tế là chúng ta đã lên cho trẻ quá nhiều lịch, khiến trẻ bị quá tải.

Tất cả trẻ em, nhất là trẻ em mẫu giáo, cần có thời gian để vui chơi, nếu không chúng sẽ rất mệt mỏi. Hãy cho phép chúng có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi thỏa thích khi kết thúc giờ học ở trường.

5. Đánh giá thấp vai trò của vui chơi

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng nên đăng ký cho con tham gia những chương trình bổ túc văn hóa, phát triển kỹ năng giúp con phát triển một cách tốt nhất về mặt trí tuệ. Tuy nhiên điều này thực ra không hoàn toàn đúng.

Điều tốt nhất, bổ ích nhất cho trẻ em ở lứa tuổi này là vui chơi, TS., nhà tâm lý học người Mỹ, Lawrence J. Cohen, cho biết. “Vui chơi là cách giúp trẻ phát triển trí não một cách tốt nhất. Qua những trò chơi, tự nhiên trẻ sẽ học được cách vượt qua thách thức, khó khăn”.

6. Lãng quên trẻ

Trẻ em giai đoạn này có thể chơi một mình rất ngoan ngoãn, nhưng điều đó không có nghĩa chúng không cần sự quan tâm, chú ý của bạn. Chúng cần bạn chơi cùng, hỏi han và chỉ bảo. Tuy nhiên nhiều bậc bố mẹ ngày nay, dù ở nhà với con nhưng lại bị cuốn hút bởi công việc, email, điện thoại…Trẻ em rất tinh tế, chúng nhận ra mình có được cha mẹ quan tâm hay không.

Giải pháp: Hãy lập thời gian biểu rõ ràng, trong đó có cả thời gian dành riêng cho con. Thà bạn bỏ ra nửa giờ tập trung chơi với con mà không bận tâm đến bữa tối và công việc còn hơn bỏ ra cả ngày chơi với con một cách nửa vời.

7. Phản ứng quá mạnh mẽ với nói dối

Cha mẹ thường lo lắng cho đạo đức của con sau này khi thấy con nói dối. Chính vì vậy họ thường có những phản ứng thái quá khiến trẻ sợ hãi, và có thể tiếp diễn hành động nói dối ở những lần sau.

Giải pháp: Đừng phản ứng quá mạnh. Hãy xem nói dối là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ. Không vội lật tẩy. Hãy kể cho trẻ nghe một câu chuyện nhỏ nhằm phủ nhận những điều trẻ nói. Nhớ rằng thói quen nói dối không sửa được trong ngày một ngày hai, nhưng nếu lần đầu bạn không thành công, hãy thử lại, và thử lại...

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

10 năm Internet: Thập kỷ của lãng quên và không thể quên

http://vn.news.yahoo.com/ttvh/20110201/tsp-10-nm-internet-thp-k-ca-l-ng-qu-n-v-17326ee.html

1. Không thể trách được baomoi.com, vì trang web này cập nhật tự động. Nghĩa là những cỗ “máy chủ” ở đâu đó đang làm thay cho con người trong việc cung cấp một thực đơn văn hóa cho rất nhiều người trong chúng ta thưởng thức hàng ngày. Cỗ máy đó dĩ nhiên, chọn những gì là văn hóa theo cách của nó.
Internet và sự bùng nổ của các phương tiện giải trí khiến chúng ta trở nên thóc mách hơn bao giờ hết với những cách “buôn dưa lê” xuyên Việt và “buôn dưa lê” toàn cầu như thế này.

Điều đó chẳng có gì lạ, ở khắp nơi trên thế giới, trong sự bùng nổ internet này đều như vậy. Nhưng mối nguy nhất mà Internet đem lại, không chỉ ở chỗ nó biến thế giới thành ngôi làng để chúng ta tha hồ buôn dưa lê với nhau.

Mà Internet khiến cho nhiều người, đặc biệt là những công dân “net” (netcitizen) tin rằng những gì không có trên Google thì cũng không có trên trái đất.

Tôi lo sợ rằng, chính điều đó vô hình trung đã làm đứt lìa các thế hệ thời @ với các thập kỷ chưa có Internet trước đó và một phần khổng lồ của quá khứ cũng có nguy cơ bị lãng quên.

2. Vì sao? Bởi vì đến năm 1994, Viện Khoa học Việt Nam và mạng VARNET kết nối Internet qua giao thức UCP để Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó trao đổi thư điện tử với thủ tướng Thụy Điển. Và đến tận ngày 19/11/1997 Việt Nam mới chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu.

Phải từ năm 2000 trở đi, Internet mới trở nên phổ biến. Internet đã ôm trọn cả thập kỷ này quăng lên mạng… Chính Internet đã thúc đẩy tiếng Việt thống nhất dùng mã unicode để thuận tiện cho việc chuẩn hóa trên công cụ tìm kiếm.

Và chỉ trong 1 thập kỷ, khối lượng thông tin tiếng Việt được sản xuất ra và tung lên mạng Internet có thể sánh với cả thế kỷ cộng lại. Bất cứ một chữ tiếng Việt nào gõ vào Google cũng có thể tìm thấy hàng hàng ngàn, hàng vạn trang văn bản có chứa chữ đó. Bất cứ một khái niệm, một sự vật, hiện tượng, thậm chí con người nào cũng ít nhiều tìm thấy bóng dáng trên Internet.

Đó chính là lý do dẫn đến tình trạng các thế hệ tiếp thời @ sẽ nghĩ rằng, vào Internet và vào Google là hiểu được tất cả, biết được tất cả, và kiểm tra được sự tồn tại của mọi thứ trên thế giới.

Nhưng chưa nói việc “số hóa” kho tri thức của chúng ta còn rất rời rạc, thiếu hệ thống, mà kể cả khi có nỗ lực thế nào chăng nữa, cũng không ai có thể đưa tất cả tri thức lên Internet, nhất là những gì đã xảy ra từ những thập kỷ trước, thế kỷ trước.

Điều đó có nghĩa là Internet tiếng Việt không bao hàm toàn bộ những gì diễn ra trước năm 2000. Có những thứ (mà rất nhiều) đã không có mặt trên Internet, mặc dù nó đã diễn ra, hoặc đã tồn tại một cách vạm vỡ trên đất Việt Nam này.

Mỗi ngày mở mắt ra dán mắt vào mạng, chúng ta sẽ ngày càng rời xa khối tri thức ấy của quá khứ. Điều đó nguy hiểm chẳng kém gì việc bỏ chữ Hán Nôm trong những thập niên đầu của thế kỷ trước khiến chúng ta bị đứt lìa khỏi kho tri thức của cha ông từ ngàn năm trước để lại.

3. Năm 2009, một người bậc thầy của văn chương của tôi (từng đoạt giải B của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) là nhà thơ Thế Mạc qua đời. Khi tôi search tên ông trên Internet thì không có một dòng nào. Điều đó có nghĩa là những thế hệ chỉ dựa vào Google sẽ không bao giờ cảm thấy sự tồn tại của cây đại thụ của xứ Đoài ấy.

Và còn nhiều, rất nhiều những thứ khác nữa... Chúng đã tồn tại một cách oanh liệt trong đời nhưng không có nghĩa là nó bắt buộc phải có trên Google. Nếu chúng ta quên điều đó, và chỉ nhìn vào Google thì chúng ta sẽ đánh mất nhiều giá trị trước năm 2000.

4. Một thập kỷ khiến chúng ta lãng quên quá khứ (nếu quá khứ đó không được quăng lên mạng), nhưng đồng thời cũng khiến ta sẽ không thể “quên” được những gì vừa xảy ra...

Trong khi cuộc sống thì có rất nhiều thứ cần phải quên, như một mối tình đã qua, một lỗi lầm đã được sửa chữa. Nhưng nếu bạn là một nghệ sĩ từng thổ lộ tình yêu hay từng chụp ảnh “tay trong tay” với một ai đó và rồi tình cờ được đưa lên mạng, thì mối tình ấy của bạn rất có thể sẽ bị công khai đến tận khi bạn nhắm mắt lìa đời.

Bạn có thể quên nhưng… Google sẽ luôn tìm thấy quá khứ ấy của bạn.
Quá khứ và hiện tại của cuộc sống chúng ta “đồng hiện” trên Internet, nhờ các công cụ tìm kiếm. Nó không “quên” lỗi lầm của bất kỳ ai và như thế trong những thập kỷ tới, những người mắc lỗi sẽ không nhận được đầy đủ sự bao dung và tha thứ của xã hội và của chính lương tâm mình.

Pháp luật còn quy định về “xóa án tích” trong lý lịch của những người đã mãn hạn tù và cải tạo tốt, song, khi bạn đưa tên một tên tội phạm và bản án dành cho hắn lên mạng, bạn có hình dung rằng văn bản ấy sẽ tồn tại lâu hơn bản án dành cho hắn ở Tòa.

Có thể con cháu hắn, khi muốn tìm tên bố, tên ông mình trên Internet, chúng vẫn thấy “bản cáo trạng” như bia miệng muôn đời ở trên đó.

.