Dạy con từ thuở trong thai
Ngày càng nhiều ông bố bà mẹ quan tâm đến thai giáo (giáo dục thai nhi) với mong muốn con mình khi ra đời sẽ khỏe mạnh, thông minh.
Tuy nhiên, việc “dạy con từ thuở lên 0” không đơn giản và nhiều người thực hiện thai giáo sai cách hoặc máy móc...
Ngoài 30 tuổi, anh N.N.V. (ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) mới lập gia đình và hai năm sau vợ anh mới mang thai, anh quyết tâm đầu tư cho con ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Và anh được mách những ích lợi của thai giáo. Vậy là anh mua tai nghe cho thai nhi cùng hàng loạt đĩa nhạc hòa tấu, chủ yếu nhạc của Beethoven, Mozart... yêu cầu vợ mở cho con nghe nhiều lần trong ngày “để con sau này thông minh, học giỏi”. Đi làm về, câu đầu tiên anh hỏi vợ là “hôm nay cho con nghe nhạc mấy lần, trong bao lâu”... Năm khi mười họa anh mới hỏi han, nựng nịu đứa con còn trong bụng mẹ...
"Bố mẹ nên thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với thai nhi bằng lòng yêu thương trìu mến. Hơi ấm và giọng nói của bố mẹ sẽ được bé ghi vào bộ nhớ, đến khi bé chào đời những ấn tượng thân quen này sẽ tạo nơi bé cảm giác an toàn, gắn bó".
Chị T.T.L., vợ một doanh nhân địa ốc khá thành đạt, cũng mong ước con mình sau này trở thành người “xuất sắc, thông minh” nên mới mang thai tháng thứ hai đã thực hiện thai giáo. Chị cho con nghe đủ thể loại nhạc từ hòa tấu tới rap, rock... để “bé lớn lên biết nhiều thứ và lanh lợi” (?). Hằng ngày, bất cứ khi nào rảnh chị đều nói chuyện với con, nhưng quanh đi quẩn lại chỉ mấy câu: “Con ngoan nhé, lớn lên phải thông minh, giỏi giang giống ba nghe”, “Ba mẹ thương con nhất, ba mẹ sẽ để dành hết mọi thứ cho con”...
Chị N.K. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thì ngược lại, biết được những ích lợi của thai giáo, chị về khoe với chồng với hi vọng anh sẽ tích cực cùng chị thực hiện, ai dè bị anh dội cho một gáo nước lạnh: “Em bé nằm trong bào thai thì biết gì mà “giáo”. Em làm gì thì làm chứ anh không tin!”.
Dạy con - chuyện không chỉ của mẹ
Trao đổi về câu chuyện dạy con từ thuở còn trong thai, TS.BS Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ) cho biết: những điều người mẹ/người cha giao tiếp với bé ngay từ giai đoạn bào thai nhằm dạy bé khỏe, ngoan và thông minh được gọi là thai giáo - một môn khoa học. Vì là khoa học nên cha mẹ cần thực hiện thai giáo đúng cách và đúng thời điểm.
Theo bà Lữ Thị Trúc Mai - trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), thời điểm phù hợp nhất để thực hiện thai giáo là từ tháng thứ tư trở đi, khi hệ thần kinh và chức năng của các cơ quan của thai nhi dần dần hình thành và phát triển, thai nhi mới cảm nhận được những điều mẹ hoặc người thân tác động. Cho thai nhi nghe những âm thanh dịu dàng của cha và mẹ, tiếng nhạc du dương hay những lời hát ru... sẽ giúp não bộ của trẻ phát triển hơn.
Thai giáo cũng tác động đến sự hình thành tâm lý bé. Theo TS tâm lý Đinh Phương Duy, nhiều nghiên cứu đã xác định sức khỏe tâm lý của người mẹ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm lý thai nhi. Nếu người mẹ sống trong môi trường kích động, thiếu an toàn hoặc phải chịu áp lực công việc, áp lực gia đình, vợ chồng cơm không lành canh không ngọt... thì sự phát triển tâm lý của thai nhi cũng gặp trở ngại.
Hiện có nhiều phương pháp giúp thai nhi phát triển ổn định cũng như nhiều cách giáo dục thai: xoa bụng mẹ, trò chuyện với thai nhi... Trong đó xoa bụng mẹ là hình thức giúp thai nhi cứng cáp hơn và không thụ động (thông qua hành động xoa bụng mẹ, thai nhi sẽ cảm nhận được sự tương tác và chòi, đạp, hình thành thói quen vận động của thai nhi). Đặc biệt, nếu người xoa bụng mẹ là bố, xúc giác thai nhi sẽ phát triển hơn (thai nhi sẽ cảm nhận được sự tương tác của bố khác với sự tương tác của mẹ, của bà...).
Việc bố thường xuyên trò chuyện với thai nhi cũng rất có ích, vừa giúp các giác quan của thai nhi phát triển đa dạng, vừa hình thành ý thức trách nhiệm của bố và sau này là thói quen chơi với con, quan tâm hơn đến việc giáo dục con. Với người mẹ, nhìn thấy chồng quan tâm, yêu thương con, tâm trạng người mẹ sẽ thoải mái hơn và điều này rất có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
“Tuy nhiên không nên lạm dụng thai giáo, chẳng hạn mới 2-3 tháng đã xoa bụng mẹ hoặc thực hiện thai giáo không kể giờ giấc... Thay vào đó nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia tâm lý để có biện pháp giáo dục thích hợp với từng giai đoạn phát triển của thai. Cũng cần lưu ý tình trạng người mẹ, nếu người mẹ đang không thoải mái thì không nên ép hoặc tự ép mình trò chuyện với thai”, TS Duy nhắc nhở.
Kích thích giác quan trẻ
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, việc giáo dục thai nhi chủ yếu qua kích thích các giác quan của bé.
Đối với thính giác, bố mẹ nên cho bé nghe nhạc, đặc biệt nhạc cổ điển như nhạc Mozart, Beethoven..., lưu ý vặn âm thanh vừa đủ nghe vì bé ở bên trong tử cung đã khá ồn ào (tiếng tim, mạch đập, nhu động ruột...); hát ru, đọc sách cho bé nghe (sách tâm hồn cao thượng, chuyện cổ tích); thường xuyên trò chuyện với bé bằng những lời lẽ yêu thương, vui vẻ... Nếu mua các thiết bị dành riêng cho thai nhi như tai nghe qua thành bụng mẹ, cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đối với thị giác, tập cho bé quen với màu sắc bằng cách chiếu đèn pin với các màu sắc khác nhau qua thành bụng mẹ, lưu ý không chiếu một chỗ quá lâu, tránh ánh sáng chói vì có thể làm tổn thương mắt bé.
Đối với xúc giác, có thể vuốt ve bé qua thành bụng, vừa vuốt ve vừa nựng nịu bé, cũng có thể búng nhẹ vào thành bụng để đánh thức bé hoặc chơi đùa cùng bé.
Đối với vị giác và khứu giác, người mẹ cần ăn uống nhiều món khác nhau, nhiều khẩu vị và nhiều mùi để giúp bé dễ cảm nhận về sau.
Việc kích thích này cần thực hiện đều đặn vào một giờ nhất định trong ngày và mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 5-10 phút. Tránh kích thích quá lâu hoặc với cường độ quá mạnh sẽ khiến thai nhi mệt mỏi hoặc gây ảnh hưởng đến thai...