Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Mất lòng vì con trẻ

 

Có rất nhiều lý do làm rạn nứt một mối quan hệ. Thật tiếc nếu mối thâm giao của người lớn bị sứt mẻ chỉ vì chuyện của trẻ con
Hai đứa nhỏ hàng xóm đánh nhau. Vài ngày sau, bọn trẻ có thể hết giận nhau, nhưng có một bức tường rào vô hình có thể được dựng lên giữa hai nhà. Trẻ con ngơ ngác khi bị bố mẹ cấm chơi với nhau.
Chuyện trẻ con đã trở thành chuyện của người lớn như vậy đấy. Bạn đã bao giờ rơi vào những trường hợp như vậy?
Thật đúng là mẹ nào con nấy
Tay chân của thiên thần nhỏ ngày nào cũng bầm tím hoặc đầy dấu răng. Bạn xót xa còn bé chỉ toét miệng cười: “Bạn Bi xô con té”, “Bạn Bi cắn con”.
Những lần đầu, bạn tỉ tê phân tích cho bé Bi biết việc đánh, xô ngã, cắn bạn là không tốt. Con bé vâng dạ rồi đâu lại vào đấy. Bạn chẳng còn cách nào khác ngoài đưa con qua nói chuyện với mẹ bé Bi. Bạn hy vọng cô ấy sẽ dạy dỗ được con mình. Thế nhưng, lần nào cô ấy cũng chỉ khăng khăng đúng một câu: “Ôi dào, có đánh nhau thì mới là trẻ con chứ”.
Lần nào bạn cũng ra về trong bực bội.
Bạn xót con quá nhưng chẳng biết làm sao. Nếu “so găng” với bé Bi, bé yêu của bạn chắc chắn nhận phần thua. Bạn chỉ còn biết cấm con chơi với bé Bi. Bạn cũng trở nên ác cảm với mẹ bé Bi, chẳng muốn qua lại gì với nhà bên ấy, chỉ vì đôi co, tranh cãi chỉ khiến bạn thêm ứa gan mà thôi.
Trường hợp này, bạn chỉ cần từ tốn đáp lời hàng xóm: “Chị nghĩ sao nếu người thường xuyên bị đánh là bé Bi chứ không phải là con tôi?”. Một mình bạn chẳng thể làm gì trước thái độ vô trách nhiệm như vậy. Bạn có thể góp ý với mẹ bé Bi trong các cuộc họp tổ dân phố. Nếu mẹ Bi không nhận ra vấn đề, việc con cô ấy không có bạn chơi là chuyện đương nhiên.
Con tôi có tội tình gì đâu chứ?
Cô bạn đồng nghiệp suốt ngày lắc đầu: “Sao thằng Bin gầy thế? Ngày xưa bằng tuổi này, con Hoa nhà mình tròn như hạt mít!”. Hoặc “Cái Tủn nhà mình mới chín tháng đã biết đi. Thằng Bin mới tròn tuổi mà đứng còn phải vịn là thế nào?”.
Vài lần, có thể bạn không để ý. Nhưng khi cô ấy cứ tranh thủ mọi cơ hội để “dìm” con bạn xuống như vậy, bạn không thể không phật ý. Sau một thời gian, bạn chẳng xem người đồng nghiệp ấy là bạn nữa. Đương nhiên chẳng bà mẹ nào có thể bình tĩnh khi con mình luôn bị săm soi với thái độ thiếu thiện chí như vậy. Thế nhưng bạn  hãy kiểm tra xem những lời nhận xét của cô ấy có đúng không?
Có thể cô ấy có nhiều kinh  nghiệm hơn bạn trong việc nuôi dạy con cái. Khi đó, bạn hãy hỏi thăm kinh nghiệm của cô ấy. Nếu bạn tự tin con  mình vẫn phát triển tốt, đúng chuẩn, hãy cười xòa trước những “phê bình” của cô ấy. Nếu tất cả mọi người đều khen bạn chăm con giỏi, việc gì bạn phải để ý đến ý kiến cá nhân của một người?
Con họ giỏi hơn con mình!
Có bao giờ bạn chê bai con của người khác chỉ vì chúng học giỏi hơn con của bạn? Hãy trả lời thật lòng nhé.
Có không ít trường hợp vì tỵ hiềm, ghen tức mà người ta sẵn sàng phủi sạch những nỗ lực của người khác. Con bạn nỗ lực hết sức mới thi đậu tốt nghiệp ở hạng trung bình. Trong khi đó, con của một người bạn thi đậu vào một trường điểm của thành phố. Thay vì chúc mừng, bạn phán một câu xanh rờn: “Bây giờ đứa nào chăm chỉ đi học thêm, chịu khó học gạo thì sẽ đạt thành tích cao thôi chứ có gì ghê gớm đâu”.
Thái độ tiêu cực của bạn không chỉ làm sứt mẻ mối quan hệ bạn bè mà còn vô tình làm tổn thương đến con trẻ đấy.
Nguồn gốc của thái độ hằn học đó do đâu? Người mẹ nào cũng xem con mình là nhất. Thậm chí một số người còn muốn mọi người phải thừa nhận con mình là số một.
Khi con thua kém con người khác, bạn cảm giác như chính mình bị thua kém. Vì thế, khi con cái của người khác giỏi hơn, xinh hơn, bạn cố tìm cách phủ nhận những điều đó. Bạn nghĩ rằng như vậy sẽ an ủi được cái tôi đang bị tổn thương của mình? Hay bạn cho rằng bằng cách đó vị trí của con mình sẽ được nâng lên? Cả hai đều không phải. Vậy bạn làm thế để làm gì? Hãy nhớ mỗi đứa trẻ đều có thiên hướng khác nhau, vậy hà tất gì phải so sánh chúng.

Không có nhận xét nào: