Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

"giáo dục rất đơn giản'"

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/58407/phan-hoi-bai--anh-manh-a--giao-duc-rat-don-gian-.html

- Nhân đọc bài báo "Anh Mạnh ạ, giáo dục rất đơn giản" của tác giả Nguyễn Hường, tôi xin góp vài ý kiến. Tôi là một giáo viên trẻ. Tuy chỉ mới trong ngành được 3 năm nhưng đã thấy quá nhiều tiêu cực, bất cập. 
 
Chỉ nói trong phạm vi 1 trường chuẩn quốc gia nơi tôi đang công tác thôi nhưng có lẽ cũng là 1 phần trong sự "suy tàn" của giáo dục hiện nay. Vận động "2 không" rồi "4 không" tất cả hoàn toàn là hình thức...
Trong một cuộc họp trước kì thi "sếp" có dặn dò rất kĩ "các thầy cô phải coi thi thật sự nghiêm túc, để học sinh (HS) tạo nề nếp trong phòng thi. Còn chuyện thầy cô chấm thi thế nào thì tôi không dám can thiệp vào...". Ý của sếp là nhắc nhở cái chỉ tiêu 97% học sinh trên trung bình của trường.

Trường tôi ở một vùng dân tộc Đồng bằng sông Cửu Long. Chắc thầy cô cũng biết các em dân tộc khơme học rất yếu, một lớp khoảng 3-5 em khơme thì những em HS yếu thì rơi vào những em này. Mà số HS người dân tộc Khơme chiếm hơn 85% thì có thể hình dung ra được sức học của HS toàn trường rồi. 

Năm nào, chúng tôi cũng phải gánh chỉ tiêu toàn trên 95% HS trên trung bình. Bởi vậy, ngoài nghề chính là giảng dạy chúng tôi còn kiêm luôn nghề "cấy tay".

Ngoài ra, nghề giáo viên bây giờ dường như không còn được coi trọng như lúc trước. HS bây giờ rất vô lễ với giáo viên, kể cả phụ huynh cũng vậy, nhiều lúc giận nóng cả mặt mày nhưng cũng phải ráng tự kìm chế vì biết mình không làm được gì đâu, cuối năm dù học hay không học thì các "phần tử" đó cũng lên lớp đều đều như ai.

Một kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra khi đi dạy mà nếu "bỏ nhỏ" cho HS biết thì chắc ngành giáo dục sẽ nguy đó là đứa nào không học thì sẽ được lên lớp thậm chí thành tích có thể cao hơn đứa đi học đều, nói chỗ này chắc chỉ người nào cùng ngành mới hiểu. 

Đi dạy được 3 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếp thu cũng khá, nhưng kinh nghiệm đối phó với HS với các chỉ tiêu, chỉ thị, thành tích từ cấp trên còn gấp nhiều lần khiến tôi cảm thấy chai sạn cảm xúc từ một cái nghề được coi là "nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí". 

Dĩ nhiên trong bài viết này tôi chắc chắn không để tên thật hay biệt danh mình hay dùng khi bình luận trên báo rồi, tôi đâu muốn chuốc hoạ vào thân đâu chứ, cẩn đắc vô ái này mà.

Cuối cùng tôi chỉ mong các "sếp" cấp trên hãy thẳng thắn nhìn vào sự thật, hãy cho chúng tôi dạy thật, cho HS học thật, đừng bắt chúng tôi dạy và học theo các con số của các "sếp" đưa ra nữa. 

Chúng ta biết HS yếu nhưng không biết yếu chổ nào, yếu đến mức nào thì làm sao chúng ta giúp cho các em tiến bộ. Nếu HS của chúng tôi yếu hãy cho chúng tôi nhận trách nhiệm, để từ đó chúng tôi thay đồi để giúp HS mình thay đổi. Chẳng thà chịu lùi vài bước để nhìn lại mình,còn hơn là cứ bước vô hồn mà không biết mình đi tới đâu.

  • Bạn đọc Karo Pi

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

LỜI CUỐI


.

Trong cuộc sống, Đôi khi ta phải biết nhìn xuống để thông cảm cùng người khác.  Không nên lúc nào cũng nhìn lên để oán đời và thù hằn số phận.

Năm thứ hai trường nữ hộ sinh, lớp tôi phải làm bài kiểm tra.  Các câu hỏi không có gì là khó, duy câu cuối cùng làm tôi bật ngửa: “Chị cho biết tên của bà lao công trong trường ?”.

Kỳ cục!
Bà lao công có liên quan gì tới chuyện đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ?  Ngày nào mà tôi chẳng gặp bà: Bà già lắm, mặt nhăn nheo khắc khổ, hầu như suốt ngày chỉ cắm cúi lau quét nhà.  Nhiều khi vừa đi vứa tán chuyện ở hành lang, chúng tôi không thèm để ý đến bà lão đang còng lưng lau dọn.  Thấy bà né sang bên, lòng tôi có lần cũng thấy hơi ân hận.  Một lần, một bạn vội quá vấp té, đổ cả ly nước, bà lắp bắp: “các cô vội, cứ làm việc của mình đi.  Đây là việc của già mà!”.

Chỉ có thế thôi thì làm sao tôi biết họ và tên của bà?  Mà có biết cũng chẳng để làm gì.  Tôi không trả lời câu hỏi ấy và tự nghĩ miễn là mình trả lời xuất sắc những câu hỏi liên quan tới chuyên môn… là không có gì đáng trách.

Giáo sư nói khi trả lại bài,
“Hầu hết các em đều làm bài được.  Nhưng tôi e, khi tốt nghiệp, sẽ toàn là các “người máy” ra trường thôi.  Đó là một thảm họa!” 

Chúng tôi xôn xao, không hiểu thầy muốn nói gì.
Thầy tiếp: “Nghề của các em là… chăm sóc, giúp đỡ những sản phụ trong giờ phút đau đớn và cũng là hạnh phúc nhất đời họ.  Các em là thiên thần hộ mệnh cho những sinh linh mới.  Nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của các em.  Nghề này cần những con người nhạy cảm, biết quan tâm, nâng đỡ mọi người… cho dù những kẻ được nâng đỡ ấy có là các mệnh phụ, ngôi sao hay chỉ là một bà quét rác…”. 

Thầy thêm: “Một bà lão cần mẫn phục vụ các em năm này qua năm khác, mà các em cũng không thèm biết tên, hoàn cảnh của bà…  Đây là một điều đáng để cho các em suy nghĩ.  Vì thế, thầy cho rằng toàn bộ số bài kiểm tra của lớp ta đều không đạt yêu cầu”.  

Một bài học nhớ đời đối với tôi
Còn bạn,
Có bao giờ bạn đã quan tâm đến người khác không? Cho dù họ là những người đang sống “dưới bậc” của bạn?  Nếu chưa, tôi nghĩ bạn hãy bắt đầu cũng chưa muộn mà.

Sưu tầm