Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Bài học bên tách Cafe

Một nhóm sinh viên giờ đã thành đạt trong công việc cùng nhau về thăm thầy giáo cũ. Cuộc nói chuyện nhanh chóng được chuyển sang những vấn đề trong cuộc sống và công việc...

Muốn mời những học trò cũ uống cà phê, ông giáo vào bếp và quay lại với rất nhiều cà phê đựng trong những chiếc cốc khác nhau: cái bằng sứ, cái bằng nhựa, cái bằng thuỷ tinh, cái bằng pha lê, một số trông rất đơn giản, số khác lại có vẻ đắt tiền, vài cái được chế tác rất tinh xảo…

Khi tất cả mọi người đều đã cầm cốc cà phê trong tay, ông giáo nhẹ nhàng lên tiếng: “Không biết các trò có chú ý không, nhưng những chiếc cốc trông đẹp đẽ, đắt tiền luôn được lựa chọn trước, để lại những cái trông đơn giản và rẻ tiền.

Mặc dù rất đơn giản và dễ hiểu khi các trò muồn điều tốt đẹp nhất cho bản thân nhưng đó cũng là nguồn gốc, nguyên nhân của mọi vấn đề căng thẳng của các trò.

Một điều chắc chắn rằng cái cốc không phải là thứ quyết định chất lượng của cà phê đựng bên trong. Một số trường hợp, nó chỉ đơn giản là cái vỏ đắt tiền hơn và một số khác thậm chí che giấu cái mà nó đang chứa đựng.

Điều các trò thực sự muốn là cà phê chứ không phải cái cốc, nhưng các trò vẫn có ý thức lựa chọn cái cốc tốt nhất. Sau đó các trò mới để mắt đến những cái cốc khác.

Cũng như vậy, cuộc sống của chúng ta là cà phê, công việc, tiền bạc và vị trí xã hội là những cái cốc. Chúng chẳng qua chỉ bao bọc lấy cuộc sống. Và loại cốc mà trò có không làm nên cũng như không thay đổi cuộc đời mà trò đang sống…”.

Đôi khi, chúng ta chỉ quan tâm đến cốc mà quên thưởng thức thứ cà phê ông trời đã ban tặng cho chúng ta. Người hạnh phúc nhất không phải là người có những thứ tốt nhất mà là người biết biến những thứ mình đang có thành thứ tốt nhất
.


Theo Rogerknapp
 
.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Con vào tuổi teen

Cách đây vài tháng, cô con gái bạn rất tình cảm, đột nhiên bây giờ bỗng quay ra tẩy chay bạn. Năm ngoái, cậu con trai bạn rất biết vâng lời bố mẹ, năm lại lại dở dở ương ương khiến bạn rối trí vô cùng.

Những biểu hiện đó chứng tỏ con bạn đang bước sang một giai đoạn mới trong phát triển tâm sinh lý và bạn cũng nên hiểu rằng thời gian này con hơi bị “khùng”, đã đến lúc phải thay đổi cách nuôi dạy chúng.

Trang bị thêm kiến thức
Vì con, bạn từng đọc không biết bao nhiêu truyện cổ tích, truyện thiếu nhi, các loại sách báo nuôi dạy trẻ. Nếu vậy, đến giờ hẳn không quá khó để đọc thêm các loại sách nói về sự phát triển của lứa tuổi teen. Các kiến thức thu được sẽ giúp bạn hiểu thêm về thế giới hiện tại của con.

Đừng quá lo lắng
Đôi lúc bạn thấy con mình rất “tâm trạng”, hoặc chúng có thể ương bướng, lười biếng, ngủ nhiều, trầm ngâm, ít nói nhưng không sao cả, đó chỉ là những biểu hiện nhất thời mà thôi. Chỉ nên lo lắng khi các biểu hiện đó có xu hướng ngày càng nặng và diễn ra trong một thời gian dài.

Tránh phản ứng thái quá
Lứa tuổi teen, trẻ rất bốc đồng, căng thẳng. Nhiều em còn có những hành động, cách cư xử quá lố. Chúng muốn chứng tỏ mình là một người độc lập, có lập trường kiên định, vì thế bạn không nên phản ứng gay gắt trước những biểu hiện đó. Ở độ tuổi này, trẻ dễ phản kháng và tỏ ra thách thức, thường tranh luận về những điều chúng cho rằng thật thiếu công bằng. Đừng lo, trong vài năm nữa, chúng sẽ trở lại là chính mình. Khi ấy trẻ đã trưởng thành và hiểu biết hơn về mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

Trao quyền
Bất cứ khi nào thích hợp, hãy hỏi ý kiến con về một vấn đề nào đó, rồi cùng nhau thảo luận để con thấy chúng cũng có quyền tự do quyết định vài chuyện, ví dụ: “Nếu đi chơi quá giờ giới nghiêm thì nên xử lý thế nào?” hoặc “Lơ là học hành sẽ nhận hậu quả ra sao?”...

Linh động
Bạn không muốn cãi với con những chuyện nhỏ nhặt, vậy cách tốt nhất là liệt kê ra cho chúng danh sách các vấn đề thuộc hàng nghiêm túc, không thể thay đổi được. Những chuyện khác nên bỏ qua.
Ví dụ, chuyện học hành, tuân thủ giờ “giới nghiêm” trong gia đình là điều bất di bất dịch, còn việc dọn dẹp phòng riêng, vệ sinh cá nhân hay cách ăn mặc có chút dị hợm vẫn có thể du di cho con. Chỉ can thiệp khi thấy điều đó quá lố, không thể chấp nhận được.

Kỹ năng giao tiếp
Mỗi khi con muốn nói chuyện, bạn nên tạm gác mọi công việc khác của mình lại. Nên chú trọng đến giao tiếp bằng mắt, cách này cho thấy bạn thực sự quan tâm đến những gì chúng đang thổ lộ. Chứng tỏ cho con thấy, mình rất hứng thú với câu chuyện mà con trình bày. Chớ nên bắt đầu câu chuyện bằng những lời chỉ trích. Thậm chí nếu bị con chỉ trích, bạn cũng đừng nóng mặt. Hãy bình tĩnh hỏi lại con rằng: “Điều gì khiến con nói ra như thế?”.
Khi cần nói chuyện với con, tốt nhất bạn hãy lựa thời điểm thích hợp và hãy thật bình tĩnh. Hạ thấp giọng, ôn tồn, tình cảm, hoặc bỏ đi, để lúc khác nói tiếp nếu thấy câu chuyện có chiều hướng xấu đi hoặc quá căng thẳng.

Kiên trì
Nuôi dạy con ở độ tuổi này rất cần lòng kiên trì. Hãy cho con thấy bạn quan tâm và luôn ở cạnh để giúp đỡ con. Nhớ rằng chẳng bao lâu nữa, con bạn sẽ bước qua giai đoạn dở hơi và vào tuổi trưởng thành, mọi thứ sẽ khác.

.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Gia đình hạnh phúc

http://dantri.com.vn/c130/s130-476695/bi-mat-cua-gia-dinh-hanh-phuc.htm

Một gia đình hạnh phúc có những cách giải quyết như thế nào để hài hòa được những đòi hỏi trong công việc và đời sống gia đình?

1. Không phân chia nhau việc vặt

Trong một phần của nghiên cứu, Giáo sư Kremer-Sadlik và các đồng nghiệp của mình tại trung tâm UCLA đã tìm hiểu sự liên quan giữa phân công việc nhà và sự hài lòng trong hôn nhân.

Kết quả đáng ngạc nhiên là vợ chồng hạnh phúc hơn khi họ cảm thấy mình đang làm việc hướng tới những mục tiêu giống nhau, không quan trọng ai làm nhiều hơn (thực tế là phụ nữ là người làm việc nhà nhiều hơn). Những người phụ nữ trong những cuộc hôn nhân hạnh phúc nói với các chuyên gia rằng chồng của họ dường như rất hiểu biết những gì cần phải làm để giúp đỡ vợ, như dọn bàn trong khi vợ đang nấu ăn, sắp xếp bát đũa vào bồn khi đã dùng xong bữa.

Đối với họ quan điểm về việc nhà luôn rõ ràng: “Tôi làm những công việc đó vì gia đình của tôi”, chứ không phải là “làm hộ vợ/chồng”. Như một tất yếu, các ông chồng trong các gia đình hạnh phúc tham gia làm việc nhà nhiều hơn những gia đình khác.

2. Tìm thấy niềm vui bên nhau trong từng khoảnh khắc

Những bà mẹ hạnh phúc nhận thấy rằng thời gian thực sự để kết nối tình cảm gia đình nằm ở những sự việc nhỏ diễn ra hàng ngày. Đó có thể là lúc bạn ngồi tết tóc cho cô con gái yêu, là lúc cùng chồng làm vườn, là lúc ngồi cùng con trai xem một bộ phim.

Nhưng đáng tiếc nhiều gia đình bỏ qua những cơ hội để có thể kết nối tình cảm với nhau. Một ví dụ là cách các thành viên trong các gia đình phản ứng khi ông bố đi làm về: Ở một gia đình, vợ và các con chào bố bằng những câu chào, những cử chỉ ấm cúng, một gia đình khác các con chào bố trong khi mắt không rời được trò video games còn bà vợ hỏi chồng: “Anh đi đâu giờ này mới về?”.

3. Cha mẹ làm gương, không ra lệnh

Trong một gia đình hạnh phúc, cha mẹ và con cái dường như không có nhiều căng thẳng trong việc con cái phải hoàn thành những mục tiêu do cha mẹ đặt ra. Những công việc nhỏ trong một ngày như dọn bữa ăn tối, hoàn thành bài tập về nhà…diễn ra nhẹ nhàng, vui vẻ. Đương nhiên cha mẹ vẫn là chủ trong gia đình nhưng họ không phải là người chỉ huy.

4. Cùng nhau nấu bữa tối

Khi các bà mẹ được trợ giúp, họ có xu hướng chuẩn bị chu đáo hơn cho các bữa ăn phụ hoặc khẩu phần ăn riêng cho con nhỏ. Các em bé sẽ ăn các món ăn bày trên bàn một cách thích thú hơn nếu được tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn. Và tâm trạng của mọi người trong nhà vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn khi trẻ tham gia vào công việc nấu ăn trong nhà bếp.

5. Các bà mẹ luôn dành 5-10 phút cho mình mỗi ngày

Các bà mẹ có thể thư giãn bằng việc tập thể dục, làm vườn hoặc tự mình nhấm nháp một thanh kẹo. Điều đó thực sự tốt cho sức khỏe của họ và cả gia đình.

6. Cùng xem TV

Những gia đình dành thời gian xem TV cùng nhau tạo ra rất nhiều mối ràng buộc tích cực. Ngồi cùng nhau khiến cả nhà gần gũi hơn, các con của bạn có thể chia nhau gói bim bim, cập nhật cho nhau những kiến thức hàng ngày. Khi cả gia đình cùng cười bởi một chương trình nào đó, đó là kỉ niệm, đó là hạnh phúc.

7. Duy trì những thói quen thường xuyên

Những thói quen thường xuyên là tiền đề cho mối quan hệ gia đình phát triển. Chẳng hạn vợ chồng ngồi uống với nhau một tách cà phê khi kết thúc ngày làm việc, hay cha mẹ dành ra vài phút vào buổi tối để đọc truyện cho con nghe - đó là những giây phút thoải mái nhất.

.